"Tôi e rằng chúng ta đang ở giờ thứ 11. Không còn thời gian để tìm giải pháp nữa. Chúng ta cần chúa trời ra tay, cần một điều thần kỳ" - ông Anthony Turton, chuyên gia quản lý tài nguyên ở Nam Phi, nói về "ngày tận thế" mà 4 triệu dân ở Cape Town đang đối mặt.

Nước rút muộn màng?

Nhận xét của ông Turton là về một trong những cuộc khủng hoảng nước đô thị nghiêm trọng nhất hiện nay. Dự tính đến giữa tháng 4 tới, người dân Cape Town - một trong những siêu đô thị thịnh vượng nhất châu Phi - có thể phải xếp hàng dài với binh lính vũ trang vây quanh để chờ nhận mặt hàng quý giá nhất khu vực: Nước uống!

Theo trang National Geographic, "ngày tận thế" là ngày thành phố phải cắt nguồn nước đến các hộ gia đình và doanh nghiệp bởi nước trong các hồ chứa xuống thấp tới mức kiệt cùng. Trong những nỗ lực cuối cùng, Cape Town đang lắp đặt 200 trạm cung cấp nước khẩn cấp, mỗi trạm có thể phải phục vụ gần 20.000 dân. 

Các kế hoạch dự trữ nước cấp kỳ trong các cơ sở quân đội được soạn thảo, song song đó là đóng cửa hồ bơi, công viên nước và cấm rửa xe. Ngay trong tuần này, giới chức thành phố tăng cường tuần tra nạn trộm nước ở các dòng suối tự nhiên, nơi mà báo chí địa phương cho biết đã xảy ra các vụ đụng độ, đồng thời thẳng tay trấn áp "những kẻ buôn bán vô lương tâm" đang thổi giá nước đóng chai lên.

Dài hạn hơn còn có các kế hoạch tìm nguồn nước mới, bao gồm xây dựng 4 nhà máy khử muối từ nước biển, 1 nhà máy tái sử dụng nước và đào thêm các giếng mới. Hầu hết các dự án này đã đi được hơn phân nửa tiến độ song có vẻ khó đảo ngược tình thế. Theo ông David Olivier, nhà nghiên cứu Viện Biến đổi toàn cầu thuộc Trường ĐH Witwatersrand (Nam Phi), một phần lớn nguyên nhân nằm ở lối suy nghĩ "trả tiền thuế rồi thì muốn dùng bao nhiêu nước cũng được". 

Sau nhiều tháng trời kêu gọi người dân dùng nước hạn chế nhưng vô vọng, từ đầu tháng 1, chính quyền Cape Town mạnh tay cắt giảm, yêu cầu người dân chỉ được dùng 50 lít/người/ngày. Tới ngày 1-2 vừa qua, giới chức thành phố tiếp tục cảnh báo mức sử dụng nước 25 lít/người/ngày, tức chưa bằng lượng nước xả ra trong vòng 4 phút tắm vòi sen.

Người dân xếp hàng dài chờ lấy nước tại TP Cape Town - Nam Phi Ảnh: REUTERS

Không chỉ Cape Town

Nhiều năm trước đây, không ai nghĩ tới viễn cảnh một thành phố lớn cạn khô nước. Nhưng sự phát triển quá mức, dân số tăng nhanh và biến đổi khí hậu đang làm mất cân bằng giữa nguồn cung và lượng nước sử dụng, đẩy một loạt trung tâm đô thị từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ, từ châu Úc tới châu Á vào cảnh "khát cháy".

Điều đáng nói là Cape Town sớm nhận ra nguy cơ từ 20 năm trước. Theo nhà nghiên cứu Kevin Winter của Trường ĐH Cape Town, thành phố này từng đoạt nhiều giải thưởng về quản lý nước quốc tế, với những giải pháp giảm lượng nước sử dụng từ 6 hồ chứa lớn, giảm lượng nước rò rỉ lẫn lượng nước sử dụng bình quân đầu người... Tuy nhiên, có một ẩn số họ không ngờ tới: Biến đổi khí hậu! 10 năm trở lại đây, thời tiết nóng và khô hơn trong khi lượng mưa mùa đông giảm sút. Năm 2014, cả 6 hồ chứa của Cape Town đều đầy nước nhưng liền 3 năm sau đó là đợt hạn hán thảm khốc nhất trong hơn 1 thế kỷ.

Tình hình ở Cape Town tệ đi chóng vánh nhưng đây không phải là thành phố duy nhất gặp nghịch cảnh. Nhiều người trong số 21 triệu cư dân của Mexico City, thủ đô Mexico, chỉ được dùng nước vào những giờ cố định trong ngày, thậm chí chỉ được vài giờ một tuần. Nhiều thành phố lớn của Ấn Độ không đủ nước dùng, còn các nhà quản lý nước ở Melbourne - Úc lo sợ thành phố đáng sống hàng đầu thế giới này sẽ hết nước chỉ trong vòng 10 năm nữa. Ở thủ đô Jakarta của Indonesia, nước khan hiếm khiến người dân khoan nước ngầm dùng nhiều đến mức thành phố này đang lún sụt còn nhanh hơn nước biển dâng.

TP Sao Paulo - Brazil từng lâm cảnh ngặt nghèo như Cape Town vào năm 2015: Hồ chứa cạn nước khiến đường ống chỉ còn bùn, xe bồn chở nước bị cướp, các hộ gia đình chỉ được vài giờ có nước mỗi 2 tuần. Thành phố đông dân nhất Brazil chỉ thoát được "án tử" nhờ những cơn mưa trút xuống vào đúng lúc lượng nước còn lại chỉ đủ dùng cho chưa tới 20 ngày, theo bà Betsy Otto, giám đốc chương trình nước toàn cầu của Viện Tài nguyên thế giới.

Theo NLĐ