Khi sản phẩm có nhãn hiệu

Để có nguồn nguyên liệu sạch, tạo sản phẩm an toàn, hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Quảng Thọ 2 đã tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu rau má theo hướng VietGAP với diện tích 40 ha.

Trà rau má túi lọc có nhãn hiệu tiêu thụ mạnh

Giám đốc HTXNN Quảng Thọ 2, ông Nguyễn Lương Trí thông tin: SP  “Trà rau má túi lọc Quảng Thọ” đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền toàn quốc, tạo sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong cả nước. Doanh thu năm 2016 gần 7 tỷ đồng, năm 2017 trên 7 tỷ đồng; thu nhập bình quân mỗi lao động 3,5-4 triệu đồng/tháng.

Cách đây hơn 10 năm, cơ sở nước mắm của bà Hồ Thị Giang ở thôn Tân Thành, xã Quảng Công gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Từ khi làng nghề chế biến nước mắm ở Quảng Công được tỉnh công nhận nghề truyền thống, bà Giang mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm bà Giang” và mới đây được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB). Từ chế biến vài chục lu cách đây 5 năm, đến nay cơ sở bà Giang tăng lên 100 lu. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng các tỉnh và nước ngoài.

Có nhãn hiệu, thương hiệu gắn với việc chú trọng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, SP nước mắm của bà Giang được nhiều khách hàng biết đến. Một số cơ sở kinh doanh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến hợp đồng thu mua. Mỗi năm, cơ sở xuất bán ra các thành phố lớn từ 3-4 chuyến, mỗi chuyến từ 2.000-2.500 lít. Các nước Mỹ, Úc tiêu thụ tuy chưa nhiều, nhưng mỗi năm cũng được vài trăm lít; doanh thu hằng năm trên 1 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La phấn khởi: Từ khi các SP có nhãn hiệu và được công nhận SPCNNTTB, thị trường tiêu thụ được mở rộng, từ Hà Nội, Lào Cai, Bình Định… đến TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng... và xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Năm 2017, HTX nhận đơn hàng với hơn 5 ngàn SP mây tre đan xuất khẩu sang Trung Quốc và trên 2 ngàn SP tham gia Festival Nghề truyền thống Huế.

SP mây tre đan của HTX phong phú, đa dạng với hơn 500 mẫu, trong đó phải kể đến rổ, rá, khay trà, đèn bát, đèn ngủ, lồng bàn và các SP trang trí nội, ngoại thất. Để nhãn hiệu, thương hiệu SP gắn với vùng đất Cố đô Huế, trên các SP được chạm khắc các biểu tượng như Đại Nội, chùa Thiên Mụ, Ngọ Môn, Kinh Thành Huế, lăng Khải Định. Mẫu mã cũng như chất lượng SP được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ mạnh, doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng.

Nhiều sản phẩm chưa có nhãn hiệu

Vì SP chưa có nhãn hiệu nên nhiều cơ sở gặp trở ngại trong SXKD, nhất là thị trường tiêu thụ.

Cơ sở chế biến tôm chua Hồ Thị Huế ở xã Quảng Ngạn dù tạo nguồn SP chất lượng, dồi dào nhưng tiêu thụ chưa mạnh. Bà Hồ Thị Huế, chủ cơ sở thừa nhận, dù được công nhận SPCNNTTB, nhưng do chưa xây dựng nhãn hiệu nên SP chưa được nhiều khách hàng, nhiều nơi biết đến, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và một số xã lân cận.

Cơ sở chế biến nước mắm cá của bà Phạm Thị Huê ở xã Quảng Công vừa được công nhận SPCNNTTB năm 2017, nhưng chưa đăng ký nhãn hiệu nên SP ít người biết đến. Mỗi năm cơ sở này tiêu thụ khoảng 500 lít, thời điểm cao nhất cũng chỉ 1.000 lít.

Cơ sở sản xuất bún khô Châu Văn Bắc ở xã Quảng Thành đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, như máy cán, cắt bột liên hợp có công suất 20-30 tấn/giờ. Từ khi nâng công suất, hiệu quả hoạt động SXKD của cơ sở tăng đáng kể, doanh thu đạt 220 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên theo ông Bắc, với quy mô hoạt động cũng như hiệu quả SXKD hiện tại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. SP đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa thể xâm nhập vào thị trường các tỉnh khác vì chưa có nhãn hiệu.

Phó Trưởng phòng Kinh tế &Hạ tầng (KTHT) huyện Quảng Điền, ông Phan Gia Phú thông tin, trong số 25 SP được công nhận SPCNNTTB năm 2017 có khoảng một nửa chưa đăng ký xây dựng nhãn hiệu.

Phần lớn các chủ cơ sở sản xuất chưa hiểu rõ cũng như ý thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu SP. Sắp đến, Phòng KTHT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tối đa để các chủ cơ sở có thể đăng ký nhãn hiệu cho SP. SP muốn vào các trung tâm thương mại lớn, các siêu thị, hay xuất khẩu thì đòi hỏi phải có nhãn hiệu. Khi có nhãn hiệu mới có điều kiện quảng bá SP, mở rộng thị trường và quy mô hoạt động SXKD.

Năm 2016-2017, Phòng KTHT huyện Quảng Điền tiến hành khảo sát và lập các đề án khuyến công trình Sở Công thương phê duyệt với kinh phí đầu tư, hỗ trợ trên dưới 1 tỷ đồng. Các đề án tập trung đầu tư công nghệ, máy móc tiên tiến phục vụ  sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất củi trấu, các mặt hàng quà lưu niệm, chế biến nước mắm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều