Bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật

Anh Trần Đình Khánh, trú tại tổ 9, khu vực 4, phường Hương Long (TP. Huê) đến làm thủ tục đăng ký lại khai sinh cho bố, mẹ tại UBND phường Hương Long. Tại đây, anh được cán bộ đón tiếp, hướng dẫn nhiệt tình các quy định của pháp luật. Vì vậy, chưa đầy 15 phút, anh đã hoàn thành việc nộp hồ sơ. Những người khác đến đây làm các thủ tục cũng được hướng dẫn chu đáo nên hoàn thành công việc khá nhanh.

Tìm hiểu thông tin pháp luật tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, một hình thức đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của công chức và người dân.

Chị Dương Thị Quỳnh Uyên, Công chức Tư pháp – Hộ tịch phường Hương Long cho biết, công chức bộ phận “một cửa” nói riêng và CBCC của phường nói chung luôn có thái độ đúng mực, tận tình với người dân, phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất. Trong thực hiện các thủ tục hành chính, phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, chú trọng thái độ tiếp xúc với người dân cũng như thời gian giải quyết hồ sơ. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong thực hiện công vụ mà còn là một trong những tiêu chí để đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai từ năm 2017.

Thực hiện nhiệm vụ mới, CBCC cũng như chính quyền địa phương phải chịu nhiều áp lực. Theo chuẩn tiếp cận pháp luật, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá đối với cấp cơ sở, từ thái độ phục vụ khi thực hiện các thủ tục hành chính, cơ sở vật chất, kinh phí cho đến việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn, kiềm chế tội phạm, khiếu kiện đông người… đều phải được đảm bảo. Chính quyền cơ sở luôn phải rà soát để khắc phục, có giải pháp kịp thời.

Chính quyền cơ sở phải hoạt động hiệu quả

Ông Đào Chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: “Để có thể đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chính quyền cấp cơ sở phải luôn không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Về cơ bản, chuẩn tiếp cận pháp luật là những nội dung công việc đã được chính quyền cấp xã thực hiện thường xuyên từ trước đến nay. Thực hiện nhiệm vụ này, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ phải có giải pháp căn cơ để giải quyết từng bất cập của mình. Đáng chú ý là việc kiềm chế tội phạm, không để xảy ra trọng án, nhiệm vụ này đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân”.

Tại buổi tập huấn về công tác này do Sở Tư pháp tổ chức, nhiều ý kiến trao đổi đa chiều, phong phú được nêu ra với tất cả sự tâm huyết, quan tâm của công chức cơ sở. Trong đó, đa số công chức đều ủng hộ việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh những mặt tích cực, một số khó khăn, vướng mắc được nhiều cán bộ đưa ra như: Thiếu cơ sở vật chất, kinh phí là tình trạng chung, nhất là tại các xã khó khăn. Chính vì vậy, một số tiêu chí liên quan đến kinh phí đòi hỏi chính quyền địa phương phải có giải pháp cân đối ngân sách.

Một số địa phương có đông người dân lao động, không biết chữ, người khuyết tật, nhận thức chưa cao cần phải có sự quan tâm để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của người dân. Trong niêm yết công khai thủ tục hành chính, trong hướng dẫn, giải thích pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật… phải có phương pháp triển khai hợp lý để những đối tượng này được hưởng quyền của mình. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp để giải quyết thủ tục cho Nhân dân đúng thời hạn; đồng thời chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, kỹ năng “mềm” cho công chức trong tiếp dân, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Đào Chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định, chính từ những bất cập, rào cản đó nên mới có chuẩn tiếp cận pháp luật. Vì vậy, các cấp, ngành phải thật sự nỗ lực, vào cuộc để có biện pháp tháo gỡ từng “nút thắt”. Tư pháp thì về các lĩnh vực trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở; thanh tra thì khiếu nại, tố cáo; nội vụ thì về thủ tục hành chính; công an về an ninh trật tự… giúp hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương để tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ này được tốt nhất.

Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 5 tiêu chí thành phần: Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật; tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở; tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong từng tiêu chí, được phân thành các chỉ tiêu cụ thể.

Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã.

Bài, ảnh: Hải Huế - Nguyễn Đào