Trung tá Hà Tiến Thuật (thứ 3, trái sang) cùng đồng đội trong một chuyến tìm kiếm, xác định mộ liệt sĩ để đưa các anh về với đất mẹ

Trung tá Thuật tâm sự: “Qua nguồn tin của ông Nguyễn Văn Dư, hiện sống ở Hà Nội, là thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 6 Phú Xuân, chúng tôi biết được, trong kháng chiến chống Mỹ, trên núi A Tây, xã  Hương Phong (A Lưới) bộ đội ta đào hầm để quan sát địch từ Huế cơ động lên, đồng thời bám giữ trận địa. Trong quá trình địch ném bom, một tảng đá từ trên cao rơi xuống, úp lên hầm căn cứ, trong đó có 6 liệt sĩ đến nay vẫn chưa lấy được hài cốt”. Qua giải mã ký hiệu, Trung tá Thuật xác định, đó là trận đánh xảy ra ngày 25/5/1971. Lúc đó, địch dùng máy bay thả bom đúng vào chốt Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 đóng quân. “Tôi chỉ cầu mong sao thời tiết đẹp lên, trời tạnh ráo dài ngày để sớm đưa các anh về bên người thân”, Trung tá Thuật bùi ngùi.

Nói về những kỷ niệm, Trung tá Thuật bồi hồi nhớ lại: “Giữa năm 2016, ông Tô Văn Trạch ở tỉnh Thái Bình có bức thư nhờ tìm hài cốt em ruột là liệt sĩ Tô Ngọc Thanh, chiến đấu và hy sinh tại D2 đặc công. Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, tôi giải mã được liệt sĩ Tô Ngọc Thanh từng chiến đấu ở D2 đặc công thuộc Tiểu đoàn 2, Đoàn 5 Thành đội Huế, Quân khu Trị Thiên. Tiếp tục rà soát danh sách liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Trị Thiên, ngày 17/7/1969 của D2 Tiểu đoàn 2 đặc công Quân khu Trị Thiên thì biết được, ngoài liệt sĩ Tô Ngọc Thanh còn có 23 liệt sĩ hy sinh cùng ngày tại Am Cây sen, phường Hương An (Hương Trà). Đó là trận đánh giữa đặc công của ta với địch tại núi Hòn Bường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Những ngày lặn lội ở núi Hòn Bường, Trung tá Thuật bất ngờ được biết, ông Nguyễn Văn Xu (người địa phương), lúc đó 10 tuổi đang đi chăn trâu đã tận mắt chứng kiến, địch bỏ thi thể các liệt sĩ ở Am Cây sen vào túi nilon rồi chôn vào một hố tập thể. Khoảng đầu năm 1990, số hài cốt này đã được Đội Quy tập mộ liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hương An với những liệt sĩ vô danh khác. Như vậy, trong hố chôn tập thể 24 liệt sĩ, để xác định đâu là phần mộ của liệt sĩ Tô Ngọc Thanh thì phải khai quật phần mộ. Đến tháng 4/2016, mẫu phẩm ADN của các liệt sĩ được gửi đi giám định. Đến cuối năm 2017, đã có 4 liệt sĩ trong số đó đã tìm được danh tính gồm: Phạm Đình Chiến (SN 1950, trú Phú Xá, Mỹ Đức, Hà Tây), Nguyễn Văn Ngọ (SN 1950, trú Ba Trại, Bất Bạt, Hà Tây), Lê Văn Nhuận (SN 1944, trú Bắc Phú, Đa Phúc, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Văn Sinh (SN 1950, trú Cự Yên, Hương Sơn, Thái Bình).

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Mỗi năm có hơn 400 lượt người đến nhờ đơn vị tra cứu, rà soát tìm kiếm mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Có nhiều trường hợp do thông tin quá mơ hồ, hài cốt được an táng phải di chuyển qua nhiều nơi, nhân chứng quá già yếu không nhớ chính xác, nên việc xác định danh tính liệt sĩ là cả vấn đề. Do vậy, việc giải mã các ký hiệu, phiên hiệu trận đánh để xác định chính xác đơn vị, thời điểm, hoàn cảnh hy sinh của các liệt sĩ là điều hết sức cần thiết. Trung tá Thuật đã giúp các thân nhân tìm lại tên cho hàng trăm liệt sĩ và giúp cho người thân tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ thời gian qua không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ và thân nhân các liệt sĩ”.

Bài, ảnh: Anh Phong – Hải Lan