Người dân chọn mua cá chép cúng ông Công, ông Táo trưa 7/2 (22 âm lịch)

Không rầm rộ như nhiều vùng miền khác trên cả nước, nghi lễ thả cá chép để tiễn ông Công ông Táo về trời ở Huế trở nên thịnh hành trong những năm gần đây. Đi giữa dòng người đông đúc, len lỏi giữa gian hàng sôi động là những mẻ cá chép nhuộm sắc đỏ được nhiều người chen chúc nhau chọn lựa mua cho mình những con cá ưng ý chuẩn bị cho lễ cúng diễn ra về khuya. Cá chép như một “phương tiện” rút ngắn khoảng cách, đưa ông Công, ông Táo về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới.

Từ sáng sớm, nhiều tiểu thương đã chờ nhận hàng cá chép từ tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đưa về, từ đó chuyển tiếp đến các chợ, và theo các đơn hàng đặt từ nhiều ngày trước đó. Chị Nguyễn Thị Bình (Phú Thượng, Phú Vang), người chuyên buôn cá chép bán vào dịp cúng ông Công, ông Táo ở chợ An Cựu cho biết, mỗi năm lượng cá chép nhập về càng tăng bởi nhu cầu mua cúng rất cao của người dân. “Do đòi hỏi từ khách hàng nên cá được chọn để đem bán trong ngày cúng ông Táo, ông Công phải khỏe, đẹp, đỏ rực” - chị Bình chia sẻ. Nhờ thế mà hơn 100kg cá được chị Bình buôn về bán hết ngay trong buổi sáng 22 âm lịch.

Cá chép chủ yếu được nhập từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về

Theo những người buôn, cá chép giống năm nay rất khan hiếm hàng do bị chết nhiều trong đợt rét đậm vừa rồi. Mặc dù hiếm nhưng thị trường vẫn cung ứng đủ nên không xảy ra tình trạng “cháy” chợ như mọi năm. Những người buôn cá cho biết giá cá chép sống đều tăng 1,5 đến 2 lần so với năm ngoái. Trung bình một bộ cá chép đỏ gồm ba con, mỗi con chỉ bằng hai ngón tay cũng có giá 30.000 đồng (10.000 đồng/con). Loại cá lớn hơn, khoảng trên dưới 100 g/con có giá bán từ 20.000-30.000 đồng/con. Loại trên dưới 200 g/con được bán với giá 40.000-50.000 đồng/con.

Một trong những con đường tấp nập không khí chợ cá chép đó chính là đường Nguyễn Thiện Kế. Đi sâu vào bên trong, cảnh nhộn nhịp từ người bán cho đến người lựa mua, ai cũng tranh nhau những con cá lớn, lực bơi khỏe mạnh. Đôi bàn tay thoăn thoắt vừa bắt cá theo yêu cầu của khách, một người bán vừa cho hay phải đảm bảo được nguồn ô xi, tạo khí bọt để cá khỏe mạnh bởi khả năng đến chiều tối vẫn còn người mua. “Sáng giờ bán hơn 500 con. Thường mỗi người mua 3 con, với mức giá từ 30.000 – 50.000 đồng. Năm nay lượng mua tăng so với mọi năm, có lẽ người dân cũng muốn làm cho nghi lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời trở nên trang trọng hơn, phần vì không mấy tốn kém”, người bán cá này nói.

Cá chép được chọn mua phải khỏe, lực bơi tốt và màu sắc đẹp

Mua được cá chép khỏe, mạnh ai cũng tỏ ra ưng ý và cười tươi. Nhiều người mua tâm niệm, phóng sinh cá chép ngày tiễn ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Bà Nguyễn Hoài Thu (đường Hai Bà Trưng, TP. Huế) tỏ ra rất vui khi tự tay mình chọn mua 3 con cá chép đậm màu đỏ tươi. Cẩn thận đặt vào túi nilong, bà nói sẽ “chăm” thật kỹ trước khi thả vào khuya nay.

Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên Thiên đình. Do vậy, sau khuya nay khi cúng xong bà Thu cho hay cùng nhiều hàng xóm đi bộ ra sông An Cứu để thả. “Thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Thả cá cũng phải bằng lòng thành kính, thiêng liêng nhất. Coi như một năm trôi qua, nguyện cầu một năm mới tìm được sự bình an trong tâm linh”, bà Thu chia sẻ.

Clip người dân chọn mua cá chép ở TP. Huế

Bài, ảnh, clip: PHAN THÀNH