Với những nông dân xứ Huế, nỗi lo lắng bây giờ là thời tiết. Hàng vạn chậu hoa cúc như đánh cược với... ông trời!
Hôm nay đã là 23 tháp Chạp. Đúng một tuần nữa là Tết Nguyên đán. Khắp mọi nẻo đường, đâu đâu cũng thấy hoa, cây cảnh bày bán phục vụ thị trường Tết. Nhiều nhất vẫn ở công viên trước mặt Phu Văn Lâu và Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh, đường Hùng Vương.
Dốc sức chăm hoa
Hoa theo những chuyến xe từ các miền quê của Huế như Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thượng (Phú Vang), Thủy Vân, Thủy Thanh (Hương Thủy) hay từ miền Tây, Đà Lạt, Bình Định, Hội An, Hà Nội... dồn dập đổ về trung tâm TP. Huế. Nhiều nhất vẫn là hoa cúc Huế với màu rợp vàng được bày bán khắp nơi. Giữa không khí tấp nập đường phố những ngày cuối năm, cả gia đình anh Lê Phong (Thủy Thanh, Hương Thủy) hì hục bưng từng chậu cúc xuống lô đất ở trước mặt Phu Văn Lâu chào bán. Đưa bàn tay gạt nhẹ từng giọt nước đọng trên cánh hoa, anh Phong nói chưa khi nào mà thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, bất thường như những năm gần đây. Riêng năm rồi thì thiên tai, mưa lũ nên gia đình anh bị ảnh hưởng, hư hỏng hơn trăm chậu cúc.
“Lúc cần nước thì khô hạn, lúc không cần nước thì mưa lũ. Đến ngày đem bán Tết thì mưa lạnh liên tục, hoa ngậm nước nên dễ gãy, trời âm u hoa nở không đều, phải dốc sức chăm sóc dữ lắm mới được như hôm nay”, anh Phong nói với giọng lo lắng với kiểu thời tiết những ngày quyết định thành bại của mùa hoa với hơn 400 cặp cúc của mình.
Anh Lê Phong nâng niu từng cành hoa sau những tháng ngày bỏ công chăm sóc. "Tất cả phụ thuộc vào thời tiết tuần cuối cùng của năm. Tết ở đó", anh Phong nói
Không riêng gì anh Phong, nét mặt của những người bán hoa Tết trên đường phố ai ai cũng vẻ lo lắng. Họ nói rằng, đã đánh cược với thời tiết khắc nghiệt cả năm qua, nhưng chỉ trông chờ vào những ngày giáp tết này. “Bây giờ ai cũng lo hết. Chỉ biết chấp tay cầu trời thôi mưa, bớt lạnh để chúng tôi bán được hoa. Mà bán được hoa coi như là có Tết”, nông dân Nguyễn Văn Ngọc (Phú Thượng, Phú Vang) nói với giọng chân chất của người quanh năm sống bên ruộng lúa, vườn hoa.
Ông Ngọc là nông dân nhưng giờ cũng phải học cách áp dụng công nghệ. Ông cầm điện thoại, mở xem thời tiết liên tục. Ngắt quãng giữa cuộc trò chuyện là đan xen những vui buồn khi màn hình báo nhiệt độ lúc tăng, lúc giảm, những đám mây vệ tinh cừ vờn vợn đập vào mắt. “27 không khí lạnh tăng cường anh ơi, không biết răng đây. Hy vọng dừng lại ngang đó. Quan trọng vẫn là hai ngày cuối cùng 29, 30 âm lịch... Nếu hai ngày đó mưa, coi như người trồng hoa trắng tay”, ông Ngọc trầm ngâm. Phía trước ông vẫn là 500 cặp cúc. Tết của ông chính là ở đó bởi công sức, mồ hôi, tiền bạc đã dồn vào vụ hoa cuối năm, để rồi trông chờ thời tiết, người mua và được giá!
Chờ vào tiết trời
Không chỉ nông dân “bản địa” với loài hoa cúc vàng đặc trưng lo lắng mà nhưng “dân buôn sành điệu” khắp các vùng miền từ Hà Nội vào tận miền Tây đều ngán ngẩm khi nhắc đến khí hậu của Huế. Thương lái Lê Văn Trác quê ở Nam Trực, Nam Định vừa bước qua tuổi 45 nhưng có thâm niên hơn 15 năm buôn đào Nhật Tân vào Huế mỗi dịp Tết. Anh Trác dù kinh nghiệm ở những khoảng lấy giá gốc cực rẻ, thuê xe vận chuyển với giá ưu đãi nhưng cũng chịu thua và đánh vận với thời tiết Huế vào dịp cuối năm. “Nếu may thời tiết tạnh ráo sẽ lời đậm, nhưng nếu trời mưa chỉ mong hòa vốn”, anh Trác bấm miệng nhìn hơn 150 gốc đào của mình vừa đặt xuống lô đất trên đường Lê Duẩn.
Nhưng thương lái miền Bắc với vẻ mặt trầm ngâm bởi mỗi năm buôn đào Nhật Tân vào Huế như là cuộc đánh đố may rủi
Mỗi gốc đào bình thường được rao giá 700.000 – 1.000.000 đồng, riêng với gốc lớn có giá rất cao từ 5 – 10 triệu đồng, nhưng nói như anh Trác, nếu xui khi tiết trời mưa lạnh rơi trúng vào tuần cuối năm âm lịch sẽ mất từ 30-50% giá. Sau chừng ấy năm buôn đào Nhật Tân vào Huế anh đúc kết: “Dù có giỏi cỡ nào cũng không tính toán được thời tiết Huế. Tất cả nhiều khi chỉ biết cầu nguyện, còn lại chẳng khác gì một cuộc đánh cược!”.
Giữa muôn vàn loại cây cảnh trưng thì quất Hội An vẫn được người Huế ưa chuộng. Cơ bản đến thời điểm này, quất từ Hội An đã đưa ra tràn ngập chợ hoa tết Huế, với giá 500.000 - 3,5 triệu đồng/cây, tùy theo kích cỡ, và dáng thế. Theo ghi nhận, vẫn còn khá ít người mua. Tâm lý chung người mua chủ yếu rơi vào các ngày cận Tết, đông nhất trước giờ Giao thừa. Nhưng đó cũng chính là nỗi lo của người bán khi chưa biết thời tiết đến khi ấy sẽ ra sao.
Một người bán quất với vẻ mặt trầm tư
Ngồi trầm ngâm giữa những cơn gió lạnh, anh Khiếu Nhữ Lâm người Hội An đưa quất ra bán trên đường Lê Qúy Đôn (TP. Huế) vẫn chưa dám khẳng định điều gì. Có năm anh Lâm trúng đậm nhưng cũng có năm tay trắng rời Huế. Năm nay, anh đưa hơn 500 chậu quất ra Huế với ước mong bán được giá trước ngày 29 Tết nhưng xem ra mọi thứ như anh nói: “Chỉ chờ vào tiết trời. Dù tài giỏi cỡ nào, trồng cây đẹp ra sao vẫn không hơn ông trời. Coi như chỉ biết chờ, cầu những ngày cuối cùng trời đẹp”.
Phía trước là những ngày không ai dự đoán được. Nắng mưa vẫn là chuyện của trời. Và người bán buôn hoa Tết chỉ biết cầu mong. Mùa hoa cuối của năm, chuyến xe cuối về quê vẫn trông chờ vào... ông trời. Nhưng ai cũng ước tiết trời tạnh ráo, buôn bán đề huề, người mua được hoa lẫn người bán cùng nhau nở nụ cười tươi, trước giờ pháo hoa ngợp trời.
Mưa lạnh, tạnh ráo đan xen Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, khu vực Bắc Trung Bộ từ ngày 7- 9/2 (22-24 tháng Chạp): Khối không khí lạnh suy yếu, trời nhiều mây, có mưa vài nơi; trưa chiều giảm mây, hửng nắng, trời rét. Tuy nhiên, từ tối và đêm ngày 10/2, không khí lạnh tăng cường, có mưa nhỏ rải rác, trời rét. Từ ngày 12/2 (27 tháng Chạp), không khí lạnh suy yếu chậm dần, nhiệt độ có xu hướng tăng, trời ấm dần lên. |
Bài, ảnh: PHAN THÀNH