Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2017 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 36 tỷ USD. Năm 2018, ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 40 tỷ USD, trong đó nông sản 22 tỷ USD, lâm sản và thủy sản mỗi ngành đạt 9 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này không dễ dàng khi mà các thị trường nhập khẩu có xu hướng gia tăng bảo hộ đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước, bao gồm các nước lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc. Do đó, việc đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao, nhiều chính sách mới và cảnh báo của các nước đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam như Đạo luật chống bán phá giá cá da trơn của Mỹ, IUU fishing của EU làm hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Trong khi đó, tại các thị trường tiềm năng như Trung Đông và châu Phi thì gặp khó khăn do những khác biệt về phương thức thương mại.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, sản xuất của ngành nông nghiệp nước ta đã cung vượt cầu, sản xuất cho trên 90 triệu dân hoàn toàn đã vượt quá khả năng, vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là việc mở rộng tối đa thị trường toàn cầu cùng với những sản phẩm nông sản có chất lượng cao nhất.
Cho rằng khâu thị trường là khâu rất quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm cải tiến, bổ sung, phối hợp cách làm ở trong nước và ngoài nước nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xúc tiến, mở rộng thị trường.
Giảm chi phí vận tải, tăng cường đàm phán
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản – chia sẻ, thị trường Nhật Bản đánh giá cao nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt với việc lô thịt gà được xuất bản sang Nhật đã chứng minh cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có “phép thử” tại thị trường khó tính này.
Cùng với đó là các mặt hàng chuối, xoài đang có nhiều tiềm năng tại thị trường này, tuy nhiên, theo ông Tạ Đức Minh, giá cả xuất khẩu các mặt hàng này vẫn còn cao do sản phẩm dễ bị hỏng và khâu vận chuyển vẫn còn khá tốn kém. Vì vậy, kiến nghị cần có tác động đến các công ty vận chuyển nhằm giảm được giá thành vận chuyển để chiếm lĩnh thị trường.
Với thị trường Nhật, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt hàng tham tán tại Nhật nghiên cứu, giúp Việt Nam xuất khẩu trứng sang Nhật. Tìm hiểu về công nghệ bảo quản hoa quả có múi của Nhật, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhập về, bảo quản, tăng cường chất lượng hoa quả.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Hoàng Thúy - Thám tán thương mại Việt Nam tại Úc cho biết: Về phía thị trường Úc đã mở cửa cho một số loại quả nông sản của Việt Nam, tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để xuất khẩu được tôm tươi nguyên con của Việt Nam sang thị trường này. Nếu mở cửa được sản phẩm này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Cùng với đó, Tham tán thương mại tại Úc cũng đề nghị cần có sự phối hợp thông tin giữa Bộ NN&PTNT với tham tán nhằm có sự phối hợp thực hiện tốt các chương trình đàm phán.
Với thị trường Úc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương cho biết, việc xuất khẩu tôm nguyên con là rất quan trọng. Thị trường Úc không lớn nhưng vào được thị trường Úc, chúng ta có thể mở cửa được nhiều thị trường khác. Chứng minh tôm Việt Nam an toàn, sạch bệnh. Tham tán Việt Nam tại Úc cần giúp Bộ Nông nghiệp trao đổi thông tin với bạn.
Tại hội nghị này, Bộ NN&PTNT kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó các cơ quan chức năng của Bộ và các tham tán thương mại tại các nước, cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời thông tin những chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường của các nước đề xuất giải pháp tháo gỡ. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp trao đổi hàng hóa, phương thức thanh toán thương mại tại các khu vực Trung Đông, châu Phi nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại nông sản tại khu vực này. Tích cực tìm kiếm, giới thiệu các hiệp hội ngành hàng nông sản, các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín tại các nước để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tranh thủ vận động nguồn vốn ODA, FDI vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong nước quảng bá nông sản Việt Nam tại các nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị, Bộ NN&PTNT cần cung cấp thông tin liên quan đến các định hướng lớn, sản phẩm nông sản, việc đàm phán mở cửa thị trường để trên cơ sở đó cho các tham tán thương mại tại các nước có thông tin làm việc hỗ trợ cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vượng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tham gia mở rộng thị trường, các hội chợ triển lãm tại các nước. Ngược lại, về tham tán thương mại các nước thường xuyên cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin thị trường, phân tích về thị trường để Bộ NN&PTNT có định hướng xuất khẩu vào những thị trường nào có lợi thế hơn.
Các tham tán thương mại cũng cần thường xuyên chủ động trong công tác phối hợp để làm tốt hơn nhiệm vụ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của các quốc gia khó tính,…
Theo Dân trí