Đầu năm mới hay mở đầu một ngày mới, từ quầy hàng tạp hóa ở các tuyến phố lớn cho đến chị hàng rong, ai cũng đon đả chào mới những khách hàng họ gặp đầu tiên: “Mua may xưa cho em đi chị; mua may xưa cho cháu đi bác; đầu năm em mới mở hàng may xưa…”. Sau một hồi mặc cả, khi người bán cảm thấy món hàng đã có lãi một tí hay có khi chỉ mới ngang vốn, nhưng họ cũng vui vẻ đồng ý: “Thôi bán may xưa…” và không quên ngỏ lời cảm ơn người mua.
Vì sao bán mở hàng ở Huế và một số vùng ở miền Nam lại gọi là bán “may xưa”. Thật ra, nguyên hai chữ này là “may sơ”. Sơ (初) là chữ Hán có nghĩa là: Mới, trước, ban đầu (theo Hán Việt từ điển của Thiều Chữu). Khi đọc theo chữ Nôm nó có thêm âm xưa. Tức chữ 初 có thể đọc thành âm sơ hay xưa. Ban đầu người ta gọi việc mua hay bán mở hàng là “may sơ” để chỉ sự mua bán đầu tiên trong năm mới hay trong ngày mới. Nhưng có người nói thành “may xưa” cũng không sai. Từ đó, việc phát âm chữ xưa trong “may xưa” lâu ngày trở thành quen.
Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có trường hợp hai câu đi liền nhau mà cả hai chữ cuối đều được đọc là “xưa”. Đó là hai câu trong đoạn Thúy Kiều cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan đi chơi trong tiết Thanh minh (tảo mộ đầu năm). Khi đi ngang mộ nàng Đạm Tiên, thấy không có hương khói, Vương Quan mới kể chuyện Đạm Tiên xưa là một ca kỹ nổi danh tài sắc, nhưng mộ nàng giờ đã trở thành nấm mồ vô chủ không ai thăm viếng. Kiều nghe mà xót thương cho kẻ “hồng nhan bạc mệnh” nên ngồi xuống thắp nén hương trước mộ Đạm Tiên mà đôi mắt đầm đìa châu lệ. Thúy Vân mới trách:
Vân rằng: “Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa
Rằng hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?”
Trong nguyên bản Truyện Kiều, hai chữ xưa đều được viết là 初 nên người ta đọc là xưa ở cả hai câu. Thực ra chữ 初 ở câu 8 phải đọc là sơ; còn chữ 初 ở câu 6 tiếp đó đọc là xưa mới đúng. Như vậy hai câu ấy phải đọc như sau:
Khéo dư nước mắt khóc người đời sơ
Rằng hồng nhan tự thuở xưa,
Ở Huế, người đã mất được gọi là người đời sơ, như: “Chú đời sơ, anh (eng) đời sơ…”. Qua đó chúng ta thấy rằng, đại thi hào Nguyễn Du đã không viết “trùng tự” ở chữ cuối của hai câu kế tiếp nhau trong truyện Kiều, mà do người phiên âm chưa đúng đối với chữ 初 theo văn cảnh trong tác phẩm Nôm cổ. Sau này để không nhầm về chữ sơ và xưa, người ta đã thêm vào bên trên chữ sơ 初 một chữ cổ 古để đọc thành âm xưa.
Nguyễn Thế