Ông Tròn sống giữa làng, nông dân cày cấy, giới thiệu với khách khứa là một vợ 3 con. Siêng năng làm lụng mà thóc lúa đủ đầy nên hay gói bánh cho những nhà khó khăn nhất làng. Thời ấy, có đoàn từ thiện nào về đâu, cả xã hội cũng khó khăn cả, cái làng Bài của ông nghèo lắm, vậy mà ông biết làm từ thiện từ nguồn lực của ông.

Mỗi tháng, ông dặn vợ trích ra ít lon nếp, bổ củi, đơm nấu đủ ba cái bánh chưng nho nhỏ, đi tìm nhà nào khó khăn nhất, khổ sở nhất, lén bỏ vào đó cái bánh chưng. Không cho ai biết, cứ thế ông cùng vợ con âm thầm làm, làm không cho xóm làng biết, làm không cho cho ai biết việc giúp người. Ông Hòe nghèo, bị câm, mùa đông đến kỳ đứt bữa, khó quá phải đi ăn xin. Ông Tròn dặn vợ gói ba cái bánh chưng xong còn lén múc 5 lon gạo bỏ vào liếp nhà rách của ông Hòe, xóm dưới đó biết ông Hòe có bánh chưng, ai cũng kháo nhau, làng mình có ông Bụt giúp người nghèo. Ông Tròn nghe vậy cứ thùm thụp nện chân trên đất mà đi nhẹ nhàng, vuốt chòm râu lơ thơ bạc cười cười rất phúc hậu.

Năm ấy, Tết, cả làng tất bật, có ba chị em nhà Xoan bố mẹ bị mất vì sét đánh, chúng không có được bữa ngon. Ông Tròn lại tự làm ít bánh chưng, gói thêm chút thịt với cá đồng bắt được, vợ kho ngon lắm, đợi đêm 30 Tết, ba chị em lụi hụi nấu cháo loãng để húp, ông len lén đi vào, đặt món quà bên đứa út đang thiếp ngủ trên ổ rơm. Cháo chín, chúng bưng lên cho em thì phát hiện món quà thơm lừng ước mơ, cả ba chị em dùng bánh chưng để cúng bố mẹ, còn chỗ thịt cá, cơm trắng chia nhau ăn no kễnh, mấy hôm sau chúng kể với xóm làng xung quanh, chúng tin, Bụt về làng Bài là có thật.

Anh Hòa, nhà nghèo lắm, nghèo đến mức cái quần vá chằng chịt, cái áo cứ trổ bao bố ra mà mang. Ngày lấy vợ làng bên, nhà chỉ nhỉn được hai lon gạo, khổ đến mức nhà gái cứ nằng nặc có mâm cỗ, chai rượu cũng không có, anh hoàn toàn tuyệt vọng. Chỉ biết chạng vạng đón dâu, nhà nàng cũng cực nên sáng đi mò cua bắt ốc để bán, chiều mới có thể thổi bếp làm cơm. Anh ra đồng từ sớm, chiều muộn mới lò dò về bán cá và chỗ ốc ngập đầu mới bắt được, chỉ đổi ít lon gạo. Về nhà, chả biết từ đâu đã có 3 mâm cỗ tươm tất, soạn trên tàu lá chuối, đặt ngay ngắn giữa nền đất. Anh Hòa quỳ sụp lạy, chạy đi mời hàng xóm chứng giám, làng Bài có ông Bụt thương dân thật thà nghèo khó.

Cả làng đến coi, nói anh Hòa có phúc, có đức, vợ anh Hòa cũng được nhà gái dẫn đến, thế là lễ đón dâu ở nhà tranh được toại nguyện. Ông Tròn bước vào, chân đi thùm thụp, góp chai rượu nếp cùng ba cái bánh chưng, chòm râu lơ thơ bạc, nụ cười phúc hậu chúc mừng vợ chồng anh Hòa hạnh phúc trăm năm. Cả làng không hề hay biết vợ con ông Tròn lén giúp bữa cưới tươm tất ba mâm như vầy.

Xưa đó, làng rất nghèo, bọn trẻ con học được cũng phải bụng đói meo đến trường, không thể có lấy bữa sáng. Tôi trong tốp có giấy khen buổi cuối năm, nhóm 5 đứa thôi. Giấy khen hồi đó kèm theo mấy tập vở, chẳng có tiền bạc gì. Ông Tròn nghe tin tới động viên rồi về. Bữa sau gặp ông ở bãi cỏ bên đường gần nghĩa trang liệt sĩ, cả đám ngang qua thấy 5 cái bánh tét nho nhỏ. 5 ngày liên tiếp gặp ông Tròn là có 5 bữa sáng cho tụi nhỏ chúng tôi no nê, thơm phức mùi nếp nhân lạc. Mấy đứa bảo ông Bụt cho, ông Bụt cho, ông Tròn đi ngang răng mà không lấy ăn hè? Chắc ông nhường cho bọn con nít? Tôi lại nghĩ, chắc ông Tròn làm chứ Bụt đâu thời này.

Năm nào cũng vậy, cứ đến hết mùa học, biết 5 đứa trong làng có giấy khen, thì lại gặp ông Tròn ở đám cỏ trước nghĩa trang liệt sĩ. Lần nào cũng được 5 cái bánh tét trong 5 ngày. Những lúc như thế, đám trẻ chúng tôi cười vang một góc làng, còn ông Tròn lại cứ điệu đi thùm thụp, chòm râu lơ thơ trước gió, cười rất phúc hậu. Tôi kể với người thân, ai cũng bảo ông Tròn cho tụi bây, ông thương tụi bây đó!

Nhưng trong con mắt tụi trẻ hồn nhiên vẫn nghĩ, đó là ông Bụt chứ ông Tròn chân đi thùm thụp, cái chòm râu thì lơ thơ không rậm, chỉ nụ cười phúc hậu thôi. Phải là ông Bụt mới đẹp thế chớ. Nhưng rồi có một chuyện mà người ta tin ông Bụt đó là cụ Tròn, một đêm mùa đông ông đưa bánh chưng cho mấy chị em mồ côi, trời lạnh, đã đến mùa chạp mả, ngày mai ba chị em ấy không có lấy chút bánh thắp hương mộ ba mẹ, cụ Tròn đi đưa bánh, vừa tới đầu ngõ thì rét quá, cái chân cà thọt bị chuột rút, cụ ngã chúi, ba chị em chạy ra đỡ dậy, ông chỉ kịp nói cất bánh mà thắp hương rồi ngất đi. Ba chị em mồ côi chạy báo cả xóm, cả làng, mọi người mới biết ông Bụt ấy là cụ Tròn có nụ cười rất phúc hậu.

Bữa giỗ họ, bọn con nít quê mùa nghe mùi thơm lừng của các món trên mâm cỗ cứ níu mũi từng đứa, chúng chỉ dám đứng ngoài hiên thềm ngóng vào nghe các cụ nói chuyện. Mấy chị phục vụ thương quá vắt cho dĩa xôi cùng ít thịt mỡ cho cả bọn bốc ăn, miếng xôi cắm phập mùi thịt vương hai bên mép, ngon nhớ đời. Thương tụi nhỏ, cụ Tròn nheo mắt các mâm ra về dặn dò phải để lại dĩa dư để bọn con nít vào ăn. Ấy là các cụ thương bọn con nít, nhưng không thể cho chúng ngồi cùng mâm được, sợ bề trên quở trách, lúc ra về để lại vầy cho bọn trẻ thèm cỗ được một bữa no.

Xưa đó, trước khi ăn Tết ở nhà, bao giờ bữa cỗ ở đình làng cũng ngon đến bây giờ vẫn rưng rức mùi thơm kèm tiếng pháo giòn tan bữa mưa xuân. Bọn trẻ giờ đã lớn lên, đi ra khỏi biên giới làng, mỗi mùa xuân có dịp về lại vách xưa, cùng nhớ ông Bụt Tròn chòm râu bạc lơ thơ với nụ cười phúc hậu…

Bài: PHONG MINH - minh họa: HƯƠNG TRÀ