Hoàng gia và triều thần rất băn khoăn lo nghĩ nạn quyền thần đã diễn ra cuối triều Tự Đức (1847 – 1883). Tuân theo ý chỉ của Thái hoàng thái hậu Từ Dụ và Hoàng thái hậu Trang Ý, các đại thần Viện Cơ mật Nam triều phải sang hội thương với Tòa Khâm sứ Pháp. Nhờ tài phiên dịch khôn khéo của viên thông sự Diệp Văn Cương (chồng công nữ Thiện Niệm – em gái Dục Đức), kết quả hoàng tôn Bửu Lân (con trai Dục Đức) được chọn làm vua kế vị (tự quân).

Chân dung vua Thành Thái

Ngày mồng 2 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (1 – 2 – 1889), hai chính phủ Nam triều và Bảo hộ cử hành đại lễ đăng quang, công bố niên hiệu Thành Thái. Bước lên ngai vàng lúc mới mười tuổi, vua Thành Thái được các bà cố (Từ Dụ), bà nội (Trang Ý) và mẹ (Từ Minh) giáo huấn rất nghiêm khắc theo phép tắc tổ tiên. Ngoài ra, vua còn chịu áp lực kèm cặp chặt chẽ của các phụ chính đại thần giảng dạy kinh điển Nho giáo, các giáo sư người Pháp dạy Pháp văn và khoa học phương Tây. Thêm nữa, chính phủ bảo hộ cài cắm người vào làm tai mắt, giám sát báo cáo thường xuyên sinh hoạt của nhà vua. Dần dần ý thức được vai trò “tượng trưng” của mình, vua Thành Thái bắt đầu phản ứng bằng cách không tuân hành ý chỉ của Tam tôn cung (1), thường bác bỏ các kiến nghị của Viện Cơ mật và Tòa Khâm sứ. Kết quả Vua bị đưa đi tịnh dưỡng ở điện Bồng Doanh, trong hồ Tịnh Tâm ngoài Hoàng thành để có thời gian ăn năn, hối cải.

Từ năm 1900 trở về sau các bà thái hậu lần lượt qua đời, vua đã trưởng thành đích thân cầm quyền chính nên rất muốn cải cách, đổi mới nghi lễ, sinh hoạt không còn hợp thời của hoàng gia và triều đình. Ngài chủ trương phải học tập theo văn minh phương Tây để đưa đất nước tiến bộ theo kịp thời đại.

Vua cho họp các đại thần Viện Cơ mật rồi ban dụ: "Lâu nay việc ngự triều do nghi lễ rườm rà, chia cách vua tôi khó gần gũi. Do đó, Trẫm muốn từ nay trở đi nên theo tuần lễ của lịch Tây, mỗi chiều thứ tư, các đại thần phải vào triều để Trẫm hỏi han tình trạng trong nhân gian nhằm sửa đổi việc chính trị cho đơn giản thích hợp. Còn các ngày thiết triều trước đây theo Âm lịch thì nên bỏ đi (1903)".

Tháng 5/1905, Bộ Lễ dâng trình nghi thức mừng tết Đoan Dương (2). Vua xem rồi phê: Từ nay về sau bãi bỏ, không tổ chức tết này nữa.

Vua Thành Thái đi xe đạp

Tháng 12/1906, Viện Cơ mật tâu trình mở đường xe lửa, có đoạn gần sát tôn lăng Thụy Thái Vương (ông nội của vua). Do đó xin vua ban chỉ yêu cầu Tòa Khâm sứ can thiệp chỉnh sửa lại đoạn đường này. Nếu không thuận tiện thì đề nghị không được đào bới quá sâu gò núi phía sau lăng để tránh làm tổn thương long mạch. Phiến tấu dâng lên, vua phê: “Khoản này, Trẫm từng nói với Phạm Xứng không nên bàn nữa. Bởi vì thuyết phong thủy không có bằng cớ, Trẫm vốn không tin tưởng. Không ngờ các ngươi còn lầm lạc thế! Tại sao lại sơ suất quá như thế?”. Viện Cơ mật phải dâng sớ xin nhận lỗi.

Vua là người tiên phong cắt tóc ngắn, tập đi xe đạp, học lái ca-nô và xe hơi điện, các đại thần sợ nguy hiểm nên dâng sớ can ngăn: “Lời xưa dạy: Đứa con nhà giàu sang không nên ngồi trên thềm cao. Huống hồ tấm thân tôn quý, trên thì Miếu Xã trông mong, dưới thì thần dân nhờ cậy. Nhìn thấy thành phố hiện nay đường sá chưa bằng phẳng, ở Kinh đô càng nhiều Nhân dân tụ họp, nếu xe chạy mau lẹ e đến nỗi gây ra chuyện khó khăn. Cúi mong Hoàng thượng muôn phần bảo trọng. Đi thường thì có kiệu cáng, đi nhanh thì có xe ngựa, dạo chơi ngắm cảnh đều có mực thường. Tới như xe hơi điện, cúi xin không nên dùng, hoặc cho máy chạy chậm lại để làm rõ sự cẩn thận”. Sớ dâng lên, Vua phê: “Lòng người dễ nguy hiểm, chớ xe hơi thì có gì nguy hiểm. Chỉ có biết lòng người là khó, chớ biết lái xe, sửa xe ấy có gì là khó? Các ngươi cứ yên tâm, đừng lo lắng, vả lại Trẫm thuộc loại người cẩn thận, quyết không có gì phải lo”.

Tháng 5/1907, sau khi có kết quả kỳ thi Hội và thi Đình (Điện), vua ân cần hỏi han rồi ban ơn cho 7 tân khoa tiến sĩ được chia nhau lên hai chiếc xe hơi của vua dùng, đưa ra Phu Văn Lâu ứng chế bài phú theo đề của vua ra: “Thản đồ trì khinh xa” (Đường bằng phẳng ruổi xe nhẹ), một bài thơ thất ngôn luật lấy chữ “phi” làm vần để ghi lại sự việc tốt đẹp đương thời, ngự lãm xong cho đem về cất giữ làm gia bảo. Sau đó cho lên xe, chở chạy quanh phố phường ở Kinh đô. Mọi người xem đó là một vinh dự hiếm có trong đời.

Tại Kinh đô Huế, vua chấp thuận cho phép mở hý viện, tổ chức khiêu vũ, mở trường đua ngựa để giải trí.

Vua đích thân thiết kế mũ áo cho lính thị vệ theo kiểu cách phương Tây, để phù hợp việc cưỡi ngựa hộ giá. Trông hùng dũng và đẹp hơn áo mũ kiểu cũ.

Trong nội cung Vua cho thành lập bốn đội đồng nữ: Thuyền quyên – Vũ mỵ – Nghiêu kiều – Thanh cân gồm 66 người. Phục trang, đạo cụ, gươm súng, bài bản diễn tập theo phương Tây.

Những việc làm của vua Thành Thái không được các đại thần Viện Cơ mật và Tòa Khâm sứ tán đồng. Triều thần đa số thủ cựu, họ thấy vua càng ngày càng làm nhiều việc “ngược đời”, trái với Tổ pháp (3). Chính quyền Pháp thì nhận định vua không thực lòng hợp tác, hành động lộ rõ sự chống đối chính sách bảo hộ.

Đến tháng 7/1907, Viện Cơ mật và Tòa Khâm sứ thỏa hiệp xác nhận vua bị tâm bệnh, không đủ sáng suốt để điều hành việc nước. Họ dâng sớ yêu cầu vua thoái vị nhường ngôi lại cho con, rồi đưa Ngài vào an dưỡng tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).

Triều đại Thành Thái kéo dài 19 năm, từ 1889 đến 1907.

Lời bình:

Vua Thành Thái để lại nhiều chuyện rất thú vị từ trong nội cung đến triều đình và cả ngoài dân gian. Hư hư thực thực, những câu chuyện kể về Ngài của những người ủng hộ, tôn kính cũng như của phe chống đối, phỉ báng Ngài phần nhiều thêm thắt, hư cấu.

Trên đây, chúng tôi chỉ lược trích những sự việc chuẩn xác được ghi chép trong “Đại Nam thực lục chính biên – Đệ lục kỷ phụ biên” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn – Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu – Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ - 2011.

Qua những câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ, vua Thành Thái là người có đầu óc tiến bộ, rất muốn duy tân cải cách triều chính và xã hội. Từ thời đó Ngài đã dám vượt qua những quy chuẩn (Tổ pháp), nghi lễ của triều đình như việc bỏ tổ chức tết Đoan Dương, không tin thuật phong thủy… là những vấn đề rất quan trọng đối với hoàng gia. Thay đổi việc họp triều để bỏ nghi lễ rườm rà, chuộng hình thức không còn phù hợp thời đại mới đã có sự tiếp thu văn hóa, khoa học phương Tây.

Việc cắt tóc, sử dụng âu phục, tập đi xe đạp hoặc lái xe hơi chở các tân khoa tiến sĩ đi khắp kinh đô thay cho việc cỡi ngựa xem hoa đã cho thấy vua cương quyết đổi mới ước mong đưa dân tộc nhanh chóng tiến bộ, văn minh. Tiếc thay, cuối cùng Ngài phải bó tay làm người tù lưu đày biệt xứ gần 50 năm, cũng chỉ vì phải làm vua trong tình trạng đất nước đã mất độc lập, dân tộc đã mất chủ quyền… đúng như lời ngài than thở qua bài thơ cảm tác khi được rước ra Hà Nội tham dự lễ khánh thành cầu Doumer (Long Biên) vào năm 1902:

Áo mũ xênh xang võ với văn,

Riêng ta chín bệ những băn khoăn

Ba chung rượu ngự mồ hôi chúng

Mấy chén trà suông nước mắt dân!

Sùi sụt trời mưa sầu muốn khóc

Véo von tiếng hát thảm khôn ngăn

Binh đao cuộc nọ thôi đừng nhắc

Trăm họ lầm than gắng đỡ đần”(4)

(1) Tam tôn cung: từ gọi tôn xưng bà cố (Từ Dụ), bà nội (Trang Ý) và mẹ (Từ Minh) của vua Thành Thái.

(2) Tết Đoan Dương: ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch.

(3) Tổ pháp: phép tắc, quy chuẩn Tổ tiên truyền lại.

(4)  Lãng Nhân dịch từ bài thơ chữ Hán sang Việt

Bài, ảnh: TRẦN ĐÌNH SƠN