VĐV tuyển vật Huế Hồ Đăng Trọng Khánh (trái) trong một trận đấu với đối thủ tại giải quốc gia

Mùa "vàng"

Trong lịch sử bộ môn vật Huế, năm 2017 được xem là mốc thời gian “vàng” của thầy trò HLV Đinh Văn Kiên. Ở đấu trường trong nước, tuyển vật Huế tham dự 5 giải đấu và giành đến 28 huy chương các loại. Ở tất cả các giải, vật Huế đều đem về HCV, trong đó, giải cúp quốc gia giành 3 HCV, giải trẻ các lứa tuổi 3 HCV, vô địch trẻ quốc gia 1 HCV, vô địch vật dân tộc 1 HCV và đặc biệt là vô địch quốc gia 2 HCV. So với các mùa giải trước, đây là một thành công vượt bậc khi các tuyến (năng khiếu, trẻ, đội tuyển) đều bội thu.

Thành tích của tuyển vật Huế còn được phát huy ở sân chơi lớn của khu vực và châu lục. Một năm tham dự đến 4 giải ở Đông Nam Á và châu Á và dù thi đấu trên đất khách, các VĐV của lò vật Cố đô đều làm tròn vai và giành đến 11 huy chương các loại; trong đó, ấn tượng nhất là tấm HCB giải vô địch vật trẻ châu Á và hai HCV và một HCB giải vô địch vật Đông Nam Á, điều mà trước đây vật Huế chưa làm được…

Thành tích chỉ là dấu ấn bề nổi, sự trưởng thành của các VĐV mới chính là điểm khiến giới chuyên môn và người hâm mộ trầm trồ. Nhiều lần sau các giải đấu, những “người trong nghề” đã không ngần ngại tặng cho tuyển vật Huế các mỹ từ, như “kỳ tích”, “tuyệt vời”, “dấu ấn đáng khen”… Chính HLV Đinh Văn Kiên cũng thừa nhận, đó là những thành công ngoài mong đợi.

Không phải ngẫu nhiên hay chỉ là may mắn, hễ xuất quân là thầy trò HLV Đinh Văn Kiên lại có giải mà đó là sự tiến bộ. Đấu trường trong nước khắc nghiệt không kém các giải đấu của khu vực và thế giới nhưng lâu nay, so với VĐV các đơn vị mạnh và được đầu tư nhiều như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quân Đội, các VĐV tuyển vật Huế vẫn “thiệt thòi” hơn trong việc được đầu tư và có môi trường cọ xát tốt. Ngoài ra, lực lượng “có chừng” so với những đơn vị mạnh là một khó khăn trong việc lựa chọn và chuẩn bị nhân sự cho các giải đấu. Rõ ràng, giữa muôn vàn cái khó, sự nỗ lực và bản lĩnh của các đô vật đã giúp họ đứng vững và bứt phá trước những thử thách ở các giải đấu lớn của khu vực và châu lục.

Nguyễn Văn Trọng (phải) cùng đồng đội tập luyện chuẩn bị cho mùa giải 2018

Bộ môn chủ lực tại đại hội TDTT

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, xét tình hình nhân sự cũng như thành tích các đội tuyển thời gian qua, nhất là thành tích ở giải vô địch quốc gia và quốc tế, có thể thấy niềm hy vọng huy chương tại Đại hội TDTT dành cho các môn võ, vật và điền kinh. Trong đó, vật là môn có khá nhiều VĐV được kỳ vọng khi có phong độ rất tốt thời gian qua.

Hiện tại, bộ môn vật có hai cái tên khá nổi vừa giành HCV giải vô địch Đông Nam Á là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Phạm Văn Có – người “chốt cửa” hạng cân 57kg của làng vật toàn quốc suốt 3 năm qua. Đó là chắc chắn là những đô vật được nhắm đến cho mục tiêu “săn vàng”. Đoàn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Lê Thị Ái Hoa, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Quảng, Hồ Đăng Trọng Khánh… cũng có thể tạo ra đột biến tại Đại hội TDTT toàn quốc sắp tới.

So với các đơn vị mạnh trong toàn quốc, để làm được chuyện lớn tại giải đấu 4 năm một lần, thầy trò bộ môn vật miền Hương Ngự và cả ngành thể thao Huế vẫn còn nhiều chuyện phải tính toán. Song, với những gì đang có, rõ ràng đặt niềm tin vào bộ môn vật ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, sau những “chuyến du đấu” ở các đấu trường lớn của khu vực và châu lục, những đô vật Huế đã tích lũy được không ít kinh nghiệm. Với chiến thuật “người nhà bảo nhau” trong giai đoạn túi tiền còn eo hẹp, cũng có thể hy vọng những VĐV Huế có thể phát huy những điểm mạnh và sửa cho nhau những điểm yếu.

Từ nay đến khi bộ môn vật thi đấu đại hội TDTT toàn quốc (dự kiến là 25/11 – 10/12) còn rất dài và cơ hội để thầy trò HLV Đinh Văn Kiên đưa những thử nghiệm trước các giải đấu lớn trong nước cũng như nghiên cứu, thăm dò đối thủ vẫn còn rất nhiều. Với tài năng của thầy trò HLV Đinh Văn Kiên, người hâm mộ Cố đô tin rằng mùa giải 2018 sẽ có những cơn mưa vàng và kỳ tích ở đại hội.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC