Ông Nguyễn Bá Sáu tích lũy thêm lúa để nuôi gia cầm
Ông Nguyễn Bá Sáu, thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương, huyện Phong Điền nhiều năm nay thuộc diện nghèo. Cơn lũ cuối năm vừa qua, tài sản gia đình ông bị cuốn trôi. Cha con ông dự tính vào nam kiếm sống. Thế nhưng khi nghe tin gia đình được nhận “dự án FAO” để khôi phục sản xuất, thoát nghèo, ông mừng đến rơi nước mắt.
Đúng dịp cuối năm 2017, nhận được 3,5 triệu đồng thông qua các tờ phiếu của cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã cấp đến đại lý mua phân bón, giống lúa, cha con ông triển khai vụ đông xuân đúng khung lịch thời vụ. Ông nói: “Nhờ nhận nguồn hỗ trợ từ FAO, tôi có điều kiện tiếp tục làm 5 sào ruộng. Lúa ngoài đồng giờ lên xanh rồi. Tết này thấy lòng mình ấm hơn…”.
Bí thư Đảng ủy xã Phong Chương - Nguyễn Thế Giáp cho biết, sau cơn bão số 12 cuối năm 2017, hàng trăm gia đình ở các thôn Ma Nê, Phú Lộc, Trung Thạnh… rơi vào cảnh khốn khổ vì hoa màu, lương thực, gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Những ngày qua, xã Phong Chương được FAO hỗ trợ, khôi phục sinh kế cho 262 hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai; trong đó, 100 hộ được hỗ trợ cây, con giống, còn lại được hưởng tiền mặt. Ông Giáp tâm sự: “Bà con ở Phong Chương còn nghèo khó, nhất là thời điểm xuống đồng. Những suất hỗ trợ của FAO thật ý nghĩa, giúp nhiều gia đình vơi bớt khó khăn".
Theo ông Trần Nguyễn Nguyên Thanh, Chánh Văn phòng Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, cùng với tỉnh Khánh Hòa, dự án FAO có mặt ở Thừa Thiên Huế với mục đích hỗ trợ sinh kế giúp các gia đình nghèo khắc phục hậu quả cơn bão 12 năm 2017. Dịp này, toàn tỉnh có 2.918 hộ gia đình ở xã Phong Chương, Phong Bình (Phong Điền); Quảng Vinh (Quảng Điền); Vinh Xuân, Phú Diên, Vinh Hà (Phú Vang); Lộc Trì, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Vinh Hiền (Phú Lộc) được hỗ trợ; trong đó có 1.000 hộ nhận phiếu đổi cây, con giống, thuốc trừ sâu, ngư lưới cụ… trị giá 3,5 triệu đồng/hộ; số còn lại nhận tiền mặt 2,2 triệu đồng/hộ (số này không có điều kiện sản xuất, chủ yếu người già, neo đơn).
Nhờ FAO, chị Nguyễn Thị Tuyết , Phong Chương, Phong Điền mua phân bón tiếp tục trồng lúa và rau màu
Những ngày qua, cán bộ Hội Chữ Thập đỏ tỉnh phối hợp với các địa phương tuyên truyền, tập huấn cho người dân hưởng lợi biết rõ mục đích dự án. Hầu hết các hộ dân được nghe cán bộ phụ trách hưởng dẫn cách thức mua, đổi hàng vật tư nông nghiệp; giải đáp các thắc mắc của bà con xung quanh việc sử dụng phiếu mua hàng một cách hiệu quả.
Lãnh đạo các địa phương cho rằng, việc hỗ trợ sinh kế của dự FAO bằng phiếu mua hàng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía nông dân. Ông Nguyễn Dũng, trưởng thôn Thanh Cần, xã Quảng Vinh, Quảng Điền chia sẻ: “Bà con có thể dùng phiếu mua hàng để đổi phân bón, cây, con giống và tất cả các đồ dùng trong nông nghiệp bất kỳ lúc nào có nhu cầu”.
Bài, ảnh: Minh Văn