Lời mời tới thăm Bình Nhưỡng vào “một ngày gần nhất” đã được em gái ông Kim Jong-un là Kim Jo-yong đưa ra trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Quốc hội giữa 2 bên. Lời mời này được xem là cơ hội cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Ảnh minh họa: AP |
Khi trao thư, bà Kim Jo-yong còn chuyển lời mời Tổng thống Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng và nói lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng gặp mặt trong thời gian sớm nhất có thể.
Đáp lại, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi nỗ lực tạo ra các điều kiện cần thiết để biến chuyến thăm thành hiện thực, đồng thời đề nghị Bình Nhưỡng tích cực tìm kiếm đối thoại với Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp kéo dài gần 3 giờ đồng hồ với nhóm quan chức cấp cao Triều Tiên tại Seoul. Trước cuộc hội đàm, Tổng thống Moon Jae-in đã bắt tay từng người và trực tiếp mời các đại biểu tới dinh thự tổng thống tham dự bữa tiệc cho Tổng thống tổ chức. Sự đón tiếp trọng thị của Hàn Quốc dành cho đoàn đại biểu Triều Tiên đã chứng minh Seoul thực sự mong muốn giảm căng thẳng giữa hai bên.
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Kim Eui-kyeom cho biết: “Tổng thống Moon Jae-in đã đáp lại lời mời của ông Kim Jong-un và nhấn mạnh rằng ông sẽ tạo mọi kiện cho quan hệ tương lai giữa hai bên.
Tổng thống Moon Jae-in cũng nói rằng sẽ sớm cho cuộc đối thoại với Triều Tiên và Mỹ để cải thiện quan hệ liên Triều và thúc giục Triều Tiên nên chủ động hơn trong việc đối thoại với Mỹ”.
Theo giới quan sát, những động thái từ Bình Nhưỡng có thể góp phần làm tan băng quan hệ liên Triều sau một năm 2017 đầy căng thẳng với nguy cơ bùng nổ xung đột luôn chực chờ.
Sự kiện Olympic mùa Đông PyeongChang được xem là biểu tượng của sự khởi đầu hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nó mở ra một hy vọng lớn chưa từng thấy về cơ hội đối thoại cấp cao giữa hai bên.
Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Kim Yong-nam khẳng định: “Chúng ta có thể cùng nhau hướng tới PyeongChang với niềm tin về sự thống nhất giữa hai đất nước nhất định sẽ đạt được”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu chưa chắc chắn. Nhiều nhà phân tích nhận định, ông Moon Jae-in khó có thể từ chối cơ hội “gần gũi" hơn với Triều Tiên, nhưng điều này cũng đẩy ông vào một thế khó trong quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, vốn khăng khăng lập trường buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Trong lúc quan hệ liên Triều đang có dấu hiệu khởi sắc sau hàng loạt tương tác cấp cao dịp Thế vận hội Mùa đông, hôm qua, Mỹ vẫn lên tiếng khẳng định chính sách của mình là tiếp tục gây sức ép kinh tế và ngoại giao đối với Triều Tiên.
Làm thế nào vừa thúc đẩy quan hệ hai miền Triều Tiên lại vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ, một đồng minh được cho là thân cận của Hàn Quốc sẽ là một bài toán cực kỳ khó khăn đối với Tổng thống Moon Jae-in trong những ngày tiếp theo
Theo VOV