Niềm vui đón Tết của du học sinh Lê Xuân Quang (áo trắng, ngồi) cùng bè bạn ở đất nước Úc xa xôi. Đến dịp Tết, Quang cùng bạn bè tự tay gói bánh tét như một cách tận hưởng hơi ấm Tết trên đất khách. Ảnh: X. Quang

Tết âm lịch là thời điểm các du học sinh Việt Nam hướng về quê nhà. Tuy nhiên vì nhiều lý do, không phải ai cũng về đúng dịp Tết để tận hưởng giờ phút tề tựu ấm áp cùng gia đình.

Hương vị quê nhà trên đất khách

Không thể có mặt cùng gia đình và bạn bè tại quê hương, những du học sinh Huế vẫn không bỏ lỡ thời khắc giao thừa gắn liền với truyền thống và tuổi thơ. Thay vì đón Tết ở nhà, họ tổ chức những lễ hội nho nhỏ cho riêng mình và cộng đồng du học sinh Việt nơi đang theo học.

Trong những lời chia sẻ với chúng tôi, những du học sinh tâm sự dù có đi hết bốn phương trời, ở nơi đất khách quê người cũng không bao giờ quên đem tết quê nhà theo cùng. “Có Tết là có quê hương dù bạn đang ở đâu”, Lê Ngọc Huyền (du học sinh Huế đang theo học tại Washington, Hòa Kỳ) xúc động. Có lẽ có hàng ngàn du học sinh Huế đang theo học khắp nơi trên thế giới cũng cùng chung cảm xúc như Huyền. Hai năm rời xa quê hương bên bờ phá Tam Giang (xã Phú An, huyện Phú Vang) theo học ngành y ở xứ cờ hoa cũng là hai năm Huyền không được ở cùng gia đình trong thời khắc giao thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của tết Việt. 

“Ở bên này, bạn bè cũng có nhưng không khí đầm ấm như ở nhà thì không bao giờ có được. Mình chỉ thèm được ngửi mùi lá gói bánh chưng, được quây quần bên bếp lửa, được cầm trên tay phong bao lì xì màu đỏ may mắn, được hít hà mùi hương thơm thoang thoảng của mẹ thắp vào đêm giao thừa… Và ước được lên chùa vào sáng sớm mồng 1 để hái lộc và nguyện cầu may mắn!”, Huyền tâm sự và cho biết sẽ tranh thủ tìm đến một ngôi chùa gần nơi bạn đang theo học để khấn Phật đầu năm.

Cảm giác bên bếp lửa ấm, có nồi bánh tét không còn quá khó khăn. Tết với những du học sinh thiếu hơi ấm gia đình nhưng vẫn chộn rộn, ấm cúng bên bè bạn. Ảnh: X. Quang

Thật ra cảm giác “thèm” ấy chỉ để diễn tả cảm xúc vào thời điểm nhất định chứ ngay ngôi trường Huyền đang theo học cũng có nhóm học sinh người Việt lên kế hoạch tổ chức đón Tết Nguyên đán hẳn hoi. Ngoài những món truyền thống được gửi từ quê nhà sang, nhóm du học sinh Việt cũng tự chuẩn bị những món quen thuộc trong ngày tết như bánh chưng, bánh tét, chả giò, nem, xôi… Mọi người còn rủ nhau đóng góp thêm bánh mứt và các bạn nữ sẽ mặc áo dài trong ngày này để không khí tết thêm chộn rộn. “Còn hoa đào, hoa mai thì cắt giấy hoặc gắn hoa nhựa, rồi quấn đèn điện lên, lung linh chẳng khác gì Tết ở quê nhà”, Huyền chia sẻ.

Còn với Nguyễn Văn Vượng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại ĐH Auckland - New Zealand) thời điểm này dù tất bật với những công trình nghiên cứu nhưng vẫn háo hức kế hoạch đón Tết Nguyên đán. Vượng nói, bên đó ai cũng tất bật với guồng quay cuộc sống, người đi học, kẻ đi làm nhưng đã có “kịch bản” chào đón Tết vào thời khắc giao thừa theo lịch âm cho những du học sinh Việt Nam tại trường. “Cứ đến những ngày giáp tết, lên mạng xã hội thấy quê hương chộn rộn. Dù không nhiều nhưng ở bên này nhóm du học sinh tụi mình cũng dự tính quây quần bên nhau gói bánh chưng, cùng ngồi bên bếp lửa cho đỡ nhớ nhà. Có một phần quan trọng nữa không thể thiếu đó là lì xì...”, Vượng tâm tình.

Quảng bá Tết Việt với bạn bè quốc tế

Do đã nhiều lần đón tết xa nhà, bạn Lê Xuân Quang (quê Lộc Điền, Phú Lộc) cho biết đã dần quen với mọi thứ ở đất nước Úc. Theo học thạc sĩ rồi bây giờ làm nghiên cứu sinh nên gần như việc về quê đón Tết khá xa xỉ với Quang bởi bộn bề việc học cũng như chi phí tốn kém. Năm đầu tiên đón tết ở Úc, không ngăn được xúc động bởi nỗi nhớ nhà da diết, nhớ bánh chưng, người thân, nhớ cảm giác bận rộn dọn dẹp nhà cửa, đi chọn cây đào cây quất, nhớ cả sự rộn ràng tấp nập của những con đường quê những ngày cuối năm… Thậm chí những người chỉ qua trước Tết vài tháng sẽ khóc vì nhớ nhà.

“Nhưng bây giờ thì quen rồi, phần được “chi viện” từ quê nhà với những đặc sản quen thuộc, phần dịp tết các du học sinh Việt bên đây cũng quây quần mâm cỗ cùng nhau nên nỗi nhớ ít nhiều vơi đi”, Quang nói và cho biết riêng Tết Mậu Tuất này cả nhóm du học sinh sẽ cùng nhau đi chợ, tự mua thực phẩm, rồi gói bánh tết, cùng quây quần bên bếp lửa và “livestream” (phát sóng trực tiếp) qua facebook để đón Tết cùng với gia đình.

Với những du học sinh Huế đang theo học tại trường ĐH Auckland - New Zealand, mặc áo dài vào dịp Tết trên đất khách là cách ăn Tết rất riêng, vừa truyền thống, vừa khoe nét đẹp đến với bạn bè quốc tế. Ảnh: Nguyễn Vượng cung cấp

Không chỉ vậy, dịp Tết Nguyên đán ở trên đất khách còn là cơ hội để những du học sinh quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Lê Xuân Quang kể ở ngôi trường mình đang theo học có hàng ngàn sinh viên với nhiều quốc tịch khác nhau. Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, các thành viên trong nhóm du học sinh Việt Nam lại mời một vài người bạn đến dự bữa tối thân mật. 

Và rồi những người bạn “năm châu bốn bể” ấy là khá hứng thú, tò mò tìm hiểu về cái Tết cổ truyền người Việt. “Họ tỏ ra rất thích và hỏi rất kĩ về từng món ăn, vì sao phải ăn món đó trong dịp Tết, vì sao phải có hoa mai, ở đâu chưng hoa đào... Tất cả khi được giải thích cặn kẽ họ lại ồ lên rồi cụng ly chúc mừng năm mới du học sinh Việt Nam”, Quang kể và nói chắc nịch rằng sẽ mờ các bạn đến từ nhiều nước khác nhau đang học cùng lớp đến dự bữa tiệc nhỏ chào đón năm mới Mậu Tuất theo truyền thống Việt Nam. Khi có dịp sẽ mời về Huế, về Việt Nam để những người bạn ấy hiểu được giá trị Tết Việt không thể lẫn lộn nơi nào trên thế giới.

Ngày Tết đang cận kề, du học sinh xa xứ cùng chung nỗi niềm nhớ quê hương. Dù không thể đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, ngay nơi mình sinh ra lớn lên nhưng những du học sinh Huế nói riêng và Việt Nam nói chung cũng luôn giữ được những giá trị của Tết truyền thống ngay trên đất khách, quê người.

Phan Thành