Khung cảnh một người vừa mổ heo xong đang chia phần bên hiên nhà, dưới khóm hoa trên ở Hương Hồ, Hương Trà như báo hiệu Tết đang về trước ngõ

Những năm gần đây, tục mổ heo vào dịp Tết ở vẫn duy trì ở các làng quê. Ngày 29 Tết, xuôi về những vùng quê ngoại ô TP. Huế như Phú Thượng, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Mỹ (Phú Vang), Thủy Vân, Thủy Dương (Hương Thủy), Hương Hồ (Hương Trà)... đi đâu cũng nghe tiếng chộn rộn hẹn nhau chia heo đụng . 

Hướng thượng nguồn sông Hương, vào trong những miệt vườn trên đường Đoàn Văn Sách (Hương Hồ, Hương Trà) hình ảnh mà ai cũng dễ bắt gặp chính là cảnh bắt heo, “mần thịt”, tay xách nách mang từng rổ thịt heo... sau khi được chia. Dưới những tán thanh trà, gia đình chị Phạm Lê Tường Vân đang cũng những người họ hàng của mình tất bật chia thịt sau khi heo mổ tận nhà. Chỉ tay về từng thớ thịt tươi rói, xen kẽ giữa những miếng nạc đỏ tươi là những lớp mỡ mỏng chị Vân cho biết, đó là heo nhà nuôi “chính hiệu”. 

Năm nào cũng thế, cứ trước Tết tầm 7 tháng, chị cùng nhiều anh chị em, họ hàng lên kế hoạch thả giống heo để ăn Tết. Do là heo chỉ nuôi để chia thịt ăn Tết nên chủ nuôi rất cẩn trọng trong khâu cho ăn. Không giống như heo ở ngoài thị trường, heo nhà chị Vân tuyệt đối không cho ăn bột mà chỉ ăn rau, cám và thức ăn dư thừa. Đến ngày mổ sáng 29 Tết, heo được đem lên cân và ước giá gần 3 triệu kể luôn công thuê người mổ. “Tính ra mỗi cân heo hơi chưa tới 35.000 đồng mà thịt heo lại rất tươi, ngon, rẻ hơn so với thị trường thời điểm hiện tại nên ai cũng thích”, chị Vân nói, và cho biết năm nay gia đình chị mổ 2 con nhưng vẫn không đủ chia. Tùy theo trọng lượng của heo, mà số phần chia có thể phân ra từ 4 – 7 phần.

Tùy theo trọng lượng heo mà có thể chia nhiều ít phần, và chủ yếu chỉ có những người bà con, họ hàng, láng giềng mới được chia

Khi những phần heo ở nhà chị Vân vừa chia xong cũng là lúc nhà anh Nguyễn Cước cạnh đó cũng nhộn nhịp cảnh người chờ xem mổ, chia thịt heo. Con heo được mổ cũng do chính anh Cước tự tay nuôi, sau nửa năm nặng 70kg. Tính luôn tiền thuê người mổ, mỗi phần như vậy có giá chưa đến 500.000 đồng cho 6 phần. “Đã thành thói quen, năm nào tôi cũng được anh em trong xóm tin tưởng giao nuôi heo ăn Tết. Cứ thế, ngoài thức ăn chủ yếu là chuối và rau, anh em trong xóm có thức ăn dư thừa đều đem qua “góp sức” vỗ béo cho heo”, anh Cước chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của người dân, heo được chọn để ăn đụng thường chỉ to vừa vừa và không ít mỡ, với mỗi phần và giá tiền như thế rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. “Nhưng quan trọng hơn là chất lượng thịt. Heo tự tay mình nuôi, rồi mổ để ăn Tết tất nhiên thịt thơm và ngon”, chị Nguyễn Thị Thu trong lúc chờ được chia phần nói với giọng chắc nịch.

Những thớ thịt heo tươi ngon như là một đặc sản trong dịp Tết được dân làng ưa thích

Trong khi đó, những ngày này ở thôn Mong An (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) cảnh mổ heo chia thịt cũng sôi động không kém. Hầu hết nhóm người thanh niên trong làng được giao nhiệm vụ chính. Heo được mổ cũng là heo được dân làng nuôi sau khi định giá từng con và ước lượng thịt, cách chia sao cho phù hợp. Anh Hoàng Văn Phú, người có nhiều năm chia thịt heo nói rằng, thịt heo được chia chủ yếu được dùng trong 3 ngày Tết, trước dâng cúng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên, sau cũng là món ngon để mời bè bạn đến thăm Tết. “Không dễ gì có phần heo đâu, phải dặn chủ nuôi và hẹn các người chia từ nhiều tháng trước”, anh Phú cho hay.

Nhìn cách chia thịt của dân quê cũng vô cùng thú vị. Từng phần thịt được chính người mổ heo chia thành từng phần, người được chia quy ước với nhau lên từng lá thăm được ghi tên trên một mẫu giấy và chia một cách ngẫu nhiên.. “Vẫn biết có chênh lệch vào lạng, nhưng không khí như thế mới vui. Chủ yếu là cái tình, và giữ được nét đẹp ăn Tết vùng quê”, anh Nguyễn Hoàng Hân (Hương Hồ, Hương Trà) vừa xách phần thịt vừa cười nói. 

Cảnh người dân Hương Hồ, Hương Trà rộn ràng mổ heo, chia phần để đón Tết

Bài, ảnh, clip: Phan Thành