Khan hiếm nguồn lao động
Công ty TNHH May Vinatex Hương Trà được đầu tư với quy mô hơn 2.200 lao động (LĐ). Ở giai đoạn 1, công ty cần 1.000 LĐ nhưng chỉ mới tuyển được 670 LĐ. Có thời điểm, công ty đã tuyển được 900 LĐ nhưng con số này lại sụt giảm. Sự khan hiếm nguồn LĐ là nguyên nhân chính khiến công ty chưa thể mở rộng nhà máy ở giai đoạn 2.
Lao động làm việc ở Công ty CP Đầu tư dệt may Thiên An Thịnh
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Vinatex Hương Trà cho hay: “Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2013 nhưng sau mấy năm vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu LĐ. Nhu cầu LĐ ở ngành dệt may quá cao với sự ra đời của nhiều nhà máy được đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất nên sự cạnh tranh nguồn LĐ càng khốc liệt. Trước đây, mỗi năm Công ty Vinatex đào tạo được khoảng 100 LĐ nhưng năm 2017 chỉ đào tạo được cho hơn 30 LĐ”.
Tình trạng thiếu hụt nguồn LĐ không chỉ xảy ra ở công ty Vinatex mà một số doanh nghiệp dệt may mới mở ở Khu công nghiệp Phú Đa cũng gặp tình trạng tương tự. Cuối năm, một số công ty may mặc tại Khu công nghiệp Phú Bài vẫn đăng thông tin tuyển dụng LĐ với số lượng lớn, như: Công ty HBI tuyển 600 công nhân may, Công ty TNHH MTV Hanex Huế tuyển 1.000 công nhân may công nghiệp và nhân viên văn phòng cho nhà máy 2...
Cải thiện chính sách tiền lương
Ở Thừa Thiên Huế, lao động phổ thông làm việc trong ngành dệt may chiếm số lượng lớn. Nhu cầu LĐ lớn trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường LĐ ngành dệt may thường biến động sau tết. Ông Lê Thanh Liêm cho rằng: “Một số LĐ có tay nghề thường nhảy việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác để thử sức ở nhiều môi trường làm việc. Vì vậy, doanh nghiệp nào có cơ chế chính sách tốt thì thu hút được nguồn LĐ này”.
Mục tiêu đặt ra của Vinatex Hương Trà là sau tết phải tuyển dụng được 300 - 500 LĐ, đảm bảo duy trì quy mô hoạt động của công ty ở giai đoạn 1. Nguồn LĐ mà công ty này hướng tới là thu hút được LĐ ở địa phương đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam. Ông Liêm cho biết thêm: “Chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp để thu hút LĐ trước, trong và sau tết, như: tuyên truyền qua các chương trình truyền thông ở địa phương, trên mạng xã hội, qua người lao động... Hiệu quả nhất là dựa trên thu nhập thực tế của người LĐ”.
Người lao động trong ngành dệt may phấn khởi khi chế độ tiền lương, thưởng tết của doanh nghiệp tăng
Theo ông Hoàng Nhuận, Giám đốc Công ty CP đầu tư dệt may Thiên An Thịnh, để tránh tình trạng LĐ nhảy việc, ngoài chế độ tiền lương không thua kém các doanh nghiệp khác, ông còn cẩn trọng ngay từ khâu tuyển chọn LĐ. “Chúng tôi ưu tiên chọn LĐ ở khu vực Phú Bài, xuất thân trong gia đình nghèo cần cù, chịu khó, ưu tiên những người đi bộ đội về, chỉ tuyển công nhân có trình độ từ lớp 9 đến lớp 12, không nhận LĐ có trình độ đại học vào làm công nhân vì khi có cơ hội họ sẽ nhảy việc. Tôi cũng không thích những người “đứng núi này, trông núi nọ” nên cũng không tiếp nhận những người không gắn bó với doanh nghiệp dù họ có tay nghề cao”, ông Nhuận nhấn mạnh.
Tiếp xúc với một số công nhân dệt may ở Khu công nghiệp Phú Bài, phần lớn họ có tâm lý thích ổn định. Nhiều LĐ không thích nhảy việc nếu doanh nghiệp đảm bảo được các chế độ chính sách, quyền lợi của người LĐ, mức lương ổn định, đảm bảo cuộc sống... Kể về dự định trong năm mới, chị Đoàn Thị Ty, công nhân may tại Khu công nghiệp Phú Bài chia sẻ: “Sau tết, tôi sẽ quay trở lại công ty làm việc, vì đã làm việc với công ty 5 năm, mức lương cũng thuộc vào “tốp” cao nên tôi không có ý định chuyển việc mới. Vả lại, để giữ công nhân nên sau tết, công ty may tôi làm cũng có chính sách lì xì, tăng lương nên tôi thấy hài lòng”.
Bài, ảnh: Minh Hiền