Ông Quang tranh thủ bán hàng ngày 30 Tết

Những ngày giáp Tết, xe kẹo chỉ tơ của ông Nguyễn Văn Quang (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) đón thêm được nhiều khách hàng. 30 Tết, ông chưa về nhà sum họp với gia đình, vòng xe đạp cũ kỹ vẫn lăn bánh trên những con phố đầy hoa.

30 năm gắn bó với nghề, ông không nhớ hết bao nhiêu mùa Tết ông cùng xe kẹo rong ruổi đến đêm giao thừa. Mặc cho dòng người nô nức mua sắm Tết, vui chơi ở chợ hoa, ông kéo thêm cậu con trai đang là sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế theo cùng để phụ giúp bán hàng. “Trong những ngày giáp Tết, ngày 30 là bán được nhiều hàng nhất. Nếu như thông thường, mỗi ngày tui bán được khoảng 150-200 nghìn đồng thì thời điểm này, thu nhập của tui gấp khoảng 3 lần. Như mọi năm, tui bán đến lúc giao thừa mới về nhà”, ông Quang chia sẻ.

Gia đình khó khăn, lại nhiều con nên để được một cái Tết đầm ấm, ông vẫn mãi miết mưu sinh. Thu nhập của ông còn để trang trải sau Tết. “Dịp Tết, những nơi đông người như, chợ hoa, hội chợ xuân hay các con đường trung tâm có đông khách. Tất cả các con tui đều đang con ăn học nên phải tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Mâm cỗ ngày 30 và những thứ dùng cho ngày Tết tui cũng tranh thủ chuẩn bị xong. Chừ chỉ bán đến khi bắn pháo hoa là về nhà gia đình”, ông Quang trải lòng.

Cận kề giao thừa nhưng những người bán hàng rong, xích lô vẫn mải miết mưu sinh

Tại chợ hoa, dễ dàng bắt gặp những người gánh hàng rong rảo bước trêm đường phố. Trong dòng người đông đúc, dưới chùm bóng bay to đùng, chị Nguyễn Thị Hồng dường như nhỏ lại. Gia đình ít đất đai, ruộng vườn, chị lặn lội từ Phú Mậu (huyện Phú Vang) đến những nẻo đường ở thành phố để mưu sinh. “Giáp Tết có những ngày mưa rét nên bán khá ít hàng, 2 ngày gần đây, thời tiết đẹp nên khách mua bong bóng rất nhiều, đặc biệt là trẻ con. Năm mô tui cũng bán đến giao thừa mới về, và nhiều lần đón giao thừa ngay trên đường phố. Đôi lúc cũng chạnh lòng khi thấy những gia đình khác sum họp trong ngày 30 Tết nhưng vì hoàn cảnh nên gạt đi nỗi buồn. Một năm chỉ có một mùa Tết là cho thu nhập cao. Đối với những người bán hàng rong như tui, bán được 2-3 triệu đồng những ngày giáp Tết là rất cao. Số tiền này để mua cho con bộ áo quần mới, thêm bánh trái trên mâm cỗ ngày Tết”, chị Hồng bày tỏ.

Cách chị Hồng vài chục mét, có vài “đồng nghiệp” bán kem, đồ chơi trẻ em… cũng di chuyển, chọn những vị trí đắc địa để bán hàng. Giữa muôn trùng gian khó, hàng rong là sinh kế của những người dân lương thiện. Đằng sau mỗi gánh hàng là câu chuyện của một cuộc đời. Giáp Tết, những gương mặt tảo tần ấy nhiều lầntươi vui hoen bởi bán được nhiều hàng hơn ngày thường.

Không những gánh hàng rong, những dịch vụ vận chuyển ăn theo thị trường Tết cũng thu hút nhiều lao động. Họ là những nông dân ở các vùng quê ngoại ô TP. Huế tranh thủ kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí trong 3 ngày Tết. “Xong việc đồng áng, tui tranh thủ đến chợ hoa để xin bốc vác hàng. Đến khoảng tối 30 Tết mới trở về nhà sum họp cùng gia đình. Nếu như bình thường bốc vác mỗi ngày khoảng 200 nghìn đồng thì dịp Tết tăng 2-3 lần. Công việc này giúp tui có thêm thu nhập để trang trải chi phí học tập sau tết cho 2 đứa con đang học đại học”, ông Lê Văn Thành (xã Thủy Thanh, TX Hương Thủy) chia sẻ.

Thời điểm này, cánh xe ôm tại chợ hoa có thu nhập cao

Thời điểm này, trong cánh lao động thời vụ, những tài xế xe ôm đang là những người “ăn nên làm ra”, dịp giáp Tết là cơ hội để “hái ra tiền”. “Lái xe ôm ăn thua ngày giáp Tết. Dịp này, thu nhập của mỗi tài xế gấp 4-5 lần ngày bình thường. Trung bình, mỗi ngày tui cũng kiếm được khoảng 500 nghìn đồng”, một tài xế xe ôm ở chợ hoa nói.

Theo ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động – Thương binh & Xã hội), những ngày giáp Tết nhu cầu lao động thường tăng khoảng 30%. Ngoài những lao động hàng rong truyền thống, những lao động thời vụ ở các vùng quê cũng đổ xô đến TP. Huế để kiếm thêm thu nhập. Và đây cũng là cơ hội để những lao động nghèo có thêm tiền trang trải cho những ngày Tết sắp đến. “Ngày Tết xuất hiện rất nhiều dịch vụ cần người lao động nên thu hút khá động lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Thu nhập của lao động cũng tăng 20-30%”, ông Phước nói.

Bài, ảnh: L.Thọ