Chợ phiên truyền thống Quảng Ngạn

Chợ ngày Tết

Theo những người cao niên ở Quảng Ngạn (Quảng Điền), ngôi chợ hình thành đã vài trăm năm. Địa điểm hình thành chợ phiên ngày nay là nơi mà lúc trước người dân họp chợ thường nhật. Địa điểm nằm giữa hai xã Quảng Ngạn và Quảng Công là bởi ngày trước cả hai chỉ là một xã, nên ngôi chợ được hình thành ngay giữa để tiện cho người dân giao thương, buôn bán. Sau khi tách, mỗi xã đều hình thành chợ riêng và địa điểm này không còn là nơi dùng để họp chợ hằng ngày nữa. Dù thế, là nơi truyền thống, gắn với các giá trị lịch sự, văn hóa của người dân bản địa nên cứ đến ngày mồng 1 Tết thì ngôi chợ phiên được hình thành và chỉ đông trong 3 ngày tết.

Ở phiên chợ Quảng Ngạn, tục mua bán “lộc” đầu năm được gìn giữ. Ngày mồng 1 Tết, cau trầu, sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản do người dân tự đánh bắt, trồng ra cũng được bày bán...

Cũng giống như chợ phiên Quảng Ngạn, chợ phiên ở làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) được hình thành đã từ lâu, ở trên một gò đất cao tại khu vực xóm Cồn, sát quốc lộ 49A và chỉ họp trong 3 ngày đầu năm. Ông Tô Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ cho hay, các bậc cao niên kể lại, lúc xưa người dân đến khai hoang Vinh Mỹ và họp chợ ở gò cao cho sạch sẽ và tránh lũ lụt. Ngày nay, chợ mới đã được xây dựng, song chợ phiên ở gò đất là truyền thống nên khi Tết đến, địa phương lại tổ chức họp chợ ở ngay đúng nơi mà các bậc tiền bối đã khai hoang ra Mỹ Lợi.

Mỹ Lợi nổi tiếng bởi các vườn rau xanh tốt quanh năm, hàng hóa bày bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản do người dân địa phương làm ra và các loại tôm, cá đánh bắt ở đầm Cầu Hai. Điều khác hơn ở chợ phiên Quảng Ngạn là ở Vinh Mỹ bày bán rất nhiều mía. Quan niệm ở địa phương thì mua mía về nhà trong dịp Tết là mua sự ngọt ngào và may mắn cho cả năm.

Cũng như chợ phiên Quảng Ngạn, chợ phiên Mỹ Lợi có sức hấp dẫn đối với người dân và khách thập phương

Gìn giữ nét truyền thống

Ở cả hai chợ phiên, không chỉ có người trong địa phương đến để mua bán mà các xã lận cận, cách cả chục cây số vẫn tìm đến để hòa vào không khí Tết. Khi đến đây, những người đã quen biết sẽ dành cho nhau những lời tốt đẹp. Những người không quen biết cũng dành cho nhau những nụ cười thân thiết. Do đó, đến chợ người bán không nói thách, người mua không mặc cả, ai cũng mong muốn sự suôn sẻ cho cả năm.

Không chỉ có người cao niên mới đến chợ, mà có rất nhiều thanh niên và trẻ em. Ngoài tìm mua các loại đồ chơi, khi đến đây thế hệ trẻ còn được tìm hiểu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Như ở Mỹ Lợi, tục hái “hoa xuân” được tất cả moi người tìm đến, để tìm những lời chúc tốt đẹp.

Chợ phiên Quảng Ngạn và Mỹ Lợi có sức hấp dẫn đối với nhiều người, sức hấp dẫn này được tạo nên chính từ những nét văn hóa truyền thống lâu đời. Theo ông Tô Thanh Liêm không khí nhộn nhịp và nhiều mặt hàng được bày bán của chợ phiên còn phản ánh sự phồn thịnh và khát vọng về một cuộc sống sung túc. “Chúng tôi đang quy hoạch lại khu vực họp chợ phiên để tiếp tục gìn giữ, duy trì thời gian đến. Địa phương cũng tiếp tục phát triển thêm hình thức hội chợ, quy tụ thêm những mặt hàng mới; tổ chức thêm các trò chơi dân gian như kéo co, đánh bài chòi… để tăng sức hút hơn cho ngôi chợ và đây cũng là hình thức để bảo tồn chợ phiên Mỹ Lợi tốt nhất”, ông Tô Thanh Liêm cho biết..

Những hình ảnh mua bán ở hai chợ phiên đầu năm:

Người dân đến chợ để mua "lộc" đầu năm

Mua mía là mua sự ngọt ngào

Những mớ cải được trồng trong vườn nhà được đưa ra chợ phiên để bán

Những mớ tôm, cá được đánh bắt từ phá Tam Giang

Đến chợ Mỹ Lợi còn được "hái hoa xuân: ", bốc những câu chúc tốt lành đầu năm

Bài, ảnh: Đức Quang