Cau, trầu, muối là món hàng được người dân chọn mua trước tiên trong ngày đầu năm mới

Giá mấy cũng mua

Giữa dòng người đi thăm viếng người thân, họ hàng, lên chùa cầu an trong ngày đầu năm mới, mệ Lai vẫn cận kề bày bán rổ cau trầu trước cổng chợ Thần Phù (Thủy Châu, thị xã Hương Thủy). Thấy khách, mệ đon đã: “Mua cau trầu lấy hên đầu năm đi con. Cau đẹp mệ để dành bán năm mới, cầu mong khách mua hàng may mắn, đỏ cả năm”. Mệ bán mỗi trái kèm thêm lá trầu với giá 10 nghìn đồng, tuy có đắt hơn dịp cuối năm, nhưng nhiều khách hàng vẫn vui vẻ mua mà không một lời trả giá. Bên rổ cao trầu, mệ Lai bán kèm thêm những gói muối nhỏ với giá 2 nghìn đồng/gói. 

Mệ kể, mệ bán gánh hàng này từ thời mới lấy chồng về làm dâu ở đây. Năm nào cũng vậy, người ta đi chơi vui mấy ngày tết nhưng mệ vẫn bày bán, một phần để phục vụ nhu cầu mua lộc đầu năm của bà con, phần khác cũng muốn kiếm lai rai vài đồng cho đỡ buồn.

Như nhiều người khác, 2 chị em chị Hồng Liên, ở Phong An (Phong Điền) cũng rủ nhau ghé chợ An Lỗ mua cau trầu, muối lấy hên đầu năm. Có lẻ tuỳ “mặt” khách  nên giá bán cũng khác nhau. Khách địa phương mua được rẻ hơn, còn nếu là khách lạ,  một số chủ hàng cũng “thẳng tay” hô giá 15 nghìn đồng/trái. Vẫn biết có đắt hơn trong năm, nhưng vì đi mua lộc đầu năm mới nên 2 chị em chị Liên không trả giá và còn vui vẻ mừng tuổi thêm cho mệ vì gặp được chủ hàng “tươi rói”.

Sáng mồng 3 Tết, không khí mua bán ở chợ Phò Trạch (thị trấn Phong Điền) tấp nập trở lại. Từ các loại thực phẩm tươi sống như rau, cá, tôm, thịt... cho đến hàng tiêu dùng, áo quần... đều được mở bán lấy ngày từ sáng mồng 2 Tết.

Đàn ông, nhưng anh Toàn cũng biết đi mua lộc và chọn những trái cau ngon, dẻo để thưởng thức

Ngay trước cổng chợ, có đến 4, 5 hàng cau, trầu, muối được bày bán. Hễ ai vào chợ cũng đều ghé những hàng quán này để mua “mì xưa” trước tiên. Không chỉ phụ nữ, ngay cả nam giới cũng ghé chợ mua cau trầu để lấy lộc đầu năm. Anh Toàn, một khách hàng đang chọn mua cau ở hàng mệ Giáp hớn hở: “Mình vừa mua lấy lộc, nhưng cũng vì nghiện ăn cau trầu nên muốn tận tay chọn những trái vừa ngon, dẻo để “nhai” cho ngọt miệng đầu năm mới”. Thay vì những khách hàng khác mệ Giáp bán mỗi trái với giá 10 nghìn đồng. Nhưng vì đây là khách “sành” mua, “sành” ăn nên mệ bán 3 trái 20 nghìn đồng để vui vẻ đôi bên, không làm khó khách.

Nơi nơi bán lộc

Ngoài những mặt hàng như cau, trầu, muối được nhiều người quen chọn mua “mì xưa” đầu năm nhất, những bó chè xanh, chiếc bật lửa, cá chép, cá tràu con còn sống... cũng là những món hàng đắt khách được nhiều người chọn mua để vừa lấy lộc đầu năm, vừa dùng đem phóng sanh trong năm mới.

Ngay những ngã đường có đông người qua lại từ thành thị cho đến các vùng quê, nhiều người dân dù thường ngày không chuyên buôn bán cũng tận dụng đặt mẹt cau trầu, rổ rau xanh “nhà trồng” bên vệ đường để phục vụ khách qua đường.

Cau, trầu của nhà trồng, nên giá mệ Em bán có rẻ hơn đôi chút so với những hàng quán khác

Có sẵn buồng cau của nhà để dành từ cuối năm, sáng mồng 3 Tết, mệ Em ở thôn Trạch Tả (thị trấn Phong Điền) mang lên chợ Phò Trạch bán kèm với mấy bó chè xanh tươi vừa cắt trong vườn. Vì cau nhà, mệ chỉ bán với giá 5 nghìn đồng/trái, rẻ hơn một số hàng khác, nên chỉ thoáng chốc, buồng cau đã vơi dần.

Mệ Em trò chuyện: “Cau năm ni được mùa, sai trái. Nhiều người bảo, được mùa lúa úa mùa cau. Rứa mà mấy năm ni, mệ thấy cau đậu nhiều trái mà vụ lúa mô cũng năng suất đều đều 55- 60 tạ/ha”.

Nhiều người lý giải, sở dĩ người xưa ví như vậy là vì năm nào khô hạn cau thường sai quả (cau là loại cây chịu hạn), nhưng lại không phù hợp với sự sinh trưởng và phát dục của cây lúa nước. Vì vậy những năm được mùa lúa thì thường mất mùa cau, và ngược lại. Thế nhưng bây giờ, khoa học kỹ thuật phát triển, hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư đồng bộ, đầy đủ nên đã làm chủ được yếu tố thiên nhiên này. Nhờ thế mà có lẽ dù cau được mùa, năng suất lúa vẫn luôn đạt cao. 

                                                                             Bài, ảnh: Hoài Thương