Nhiều người vẫn miệt mài mưu sinh ngày Tết

Chẳng nghỉ Tết ngày nào, từ thời khắc giao thừa cho đến ba ngày Tết, mệ Lê Thị Thai (phường An Đông, TP. Huế) vẫn đạp xe rong ruổi khắp những cung đường để bán bong bóng. Người phụ nữ có dáng nhỏ lom khom, nếp nhăn in hằn trên đuôi mắt ấy vẫn giữ nụ cười tươi, niềm lạc quan dù không đón Tết ở nhà.

Mệ Thai tâm sự, chồng mệ năm nay đã 73 tuổi, ông bị tai biến nên chỉ có thể quanh quẩn ở nhà, con cái ở xa lại cực khổ nên không giúp được cha mẹ. Vậy là hai thân già làm việc nuôi lấy nhau. Ông ở nhà bơm bong bóng, mệ lọc cọc đạp xe chở từng chùm bong bóng thắm tươi đem bán. “Được cái Tết năm nay trời tạnh ráo, người ta đi chơi nhiều nên dễ bán. Có người thương vừa mua bóng giúp, lại mừng tuổi cho mệ thêm ít tiền”, vừa tháo bóng ra bán cho khách, mệ vừa nói.

Dọc trên những con phố, chúng tôi bắt gặp nhiều gánh hàng rong, nhiều cửa tiệm đã mở sớm. Dường như không phải ai cũng có chung một cách đón Tết. Chị Trần Thị Na (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) gánh hàng bèo nậm lọc, ram ít ướt trên vai, cứ đi vài bước lại có người kêu ăn, chẳng cần phải rao. Chị cho biết, Tết này chị phải làm số lượng bánh nhiều gấp ba ngày thường mới đủ bán, thu nhập cũng theo đó mà tăng lên đáng kể. “Đi bán ngày Tết cũng là vì kinh tế. Bán những hôm này kiếm được nhiều tiền hơn, có thêm chút đỉnh chăm lo cho gia đình, con cái nên cũng mừng”, chị nói.

Nụ cười tươi của chị Na bên gánh hàng bánh

Với dì Võ Thị Chiến (phường Thuận Thành, TP. Huế), gánh cháo bò 23 năm nay đã đem lại nguồn sống cho dì, dù là dịp Tết dì cũng chẳng đặt gánh xuống. Cháo bò của dì đi quanh những khu phố có hội xuân, trò chơi dân gian, người du xuân nhiều, ăn cũng nhiều, dì phải múc cháo không ngơi tay. “Tết người ta đi chơi nên có nhu cầu ăn uống bên ngoài, bán không kịp luôn con ơi, mệt nhưng kiếm được nhiều tiền nên vui”. Niềm hạnh phúc giản dị và chân thành, quanh năm làm lụng vất vả và khi tết đến xuân về, dì cũng như nhiều người còn khó khăn khác vẫn chưa thể nghỉ ngơi.

Chúng tôi còn bắt gặp hai cha con người Nghệ An bán hàng lưu niệm, đồ chơi trẻ em quanh thành phố. Cuộc sống khó khăn, họ phải tha hương, cha con cùng nhau bươn chải trong ngày Tết. Dù nhọc nhằn nhưng trong ánh mắt của họ vẫn ngập tràn niềm vui của ngày xuân. Anh còn hiền từ nói với theo khi tôi mua xong một món hàng rồi rời đi, tôi đi bán hàng cũng là cách du xuân đó.

Quanh các ngôi chùa, nhiều người xếp một góc nhỏ bán hương cho người dân mua lên chùa lễ Phật, ở các con đường rải rác những gánh hàng rong, đi đâu cũng gặp từ các em nhỏ, người lớn đến cụ già bán vé số dạo, bán đồ ăn vặt. Tất cả họ đều mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, tất cả họ đều không được đón những ngày Tết trọn vẹn nhưng chính họ lại tô điểm cho sắc màu ngày xuân thêm đẹp hơn.

Bài, ảnh: Phước Ly