Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO (phải).
 

PVNgoại giao Văn hoá (NGVH) trong năm 2017 vẫn triển khai đều đặn các hoạt động và phát huy tốt các thành tích đạt được kể từ khi trở thành trụ cột của nền Ngoại giao hiện đại. Theo ông, có những dấu ấn nổi bật nào về công tác này trong năm qua?

Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu: Có ba nét nổi bật của công tác NGVH trong năm 2017:

Thứ nhất, các hoạt động NGVH đóng góp vào thành công chung của Năm APEC 2017 thông qua các sự kiện văn hoá gắn với các cuộc họp, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao từ Logo Năm APEC đến trang phục của các nhà Lãnh đạo rồi món ăn, chương trình văn nghệ của đêm Gala, chương trình văn hoá của các phu nhân, phu quân, quà tặng cho lãnh đạo các cấp, trang trí đường phố, trang trí các phòng tiếp nguyên thủ bằng tranh của các hoạ sĩ đã thành danh, công viên tượng APEC, tem APEC... Mỗi thứ đều mang một thông điệp văn hoá riêng của dân tộc.

Thứ hai, các nội dung NGVH tại các diễn đàn ngày càng gắn chặt với nội dung chính trị. Với tư cách là thành viên Uỷ ban Di sản thế giới, khi thảo luận về vấn đề bảo tồn di sản Jerusalem hay ghi danh hồ sơ mới của các quốc gia, 
Việt Nam phải nêu rõ quan điểm của mình vừa tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong quan hệ với các nước liên quan, vừa khuyến khích nỗ lực bảo tồn các di sản văn hoá của nhân loại vừa tránh chính trị hoá các diễn đàn văn hoá trong đó có UNESCO. Kinh nghiệm hoạt động ngoại giao đa phương tại các diễn đàn văn hoá đã được nâng một bước lớn và thể hiện rõ bản lĩnh ngoại giao Việt Nam.

Thứ ba, Chương trình NGVH và Mỹ thuật Việt Nam dưới sự bảo trợ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là điểm sáng mang tính đột phá. Chương trình đã tập hợp được hơn 100 bức tranh có chất lượng do các hoạ sĩ đóng góp tặng cho hàng chục cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá và tôn vinh hội hoạ và mỹ thuật Việt Nam. Chương trình tạo được tiếng vang lớn vừa giới thiệu ra thế giới các hoạ sĩ Việt Nam vừa làm đẹp hơn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

PVVào đúng thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam đã nhận được liên tiếp hai tin vui và Hát Xoan và Nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông đánh giá gì về thành công này?

Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu: Hát Xoan và Nghệ thuật Bài chòi của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện bản sắc văn hoá phong phú của các dân tộc Việt Nam, khẳng định chính sách tôn trọng sự đa dạng và không phân biệt đối xử trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của chính phủ Việt Nam.

Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ được vinh danh vừa làm cho nhân dân địa phương của các tỉnh duyên hải miền Trung tự hào về quê hương vừa góp phần phát triển du lịch địa phương nhất là tại phố cổ Hội An.

Với hồ sơ Hát Xoan, Bộ Ngoại giao thông qua Ban Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO đã vận động thành công để UNESCO chấp nhận chuyển một di sản từ Danh sách Bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Đại diện của Nhân loại. Đây là điều chưa có tiền lệ vì theo qui định của UNESCO, hai danh sách này có giá trị như nhau.

Việc Việt Nam làm được điều này vừa chứng tỏ trên thực tế công tác bảo tồn di sản Hát Xoan của chính quyền và cộng đồng nhân dân Phú Thọ làm rất tốt, đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, cứu di sản khỏi tình trạng bị mai một biến mất. Mặt khác, điều này khẳng định một bước trưởng thành của ngoại giao đa phương khi Việt Nam triển khai “định hình và xây dựng luật chơi mới”, lấy kinh nghiệm thực tế để thay đổi qui định của UNESCO.

Kinh nghiệm của Việt Nam từ nay đã mở ra khả năng cho các di sản được chuyển từ danh sách này sang danh sách khác. Năm 2017, Việt Nam có hai di sản: một được công nhận mới và một được chuyển từ Danh sách Bảo vệ khẩn cấp sang, trong khi thông thường nước nhiều di sản như nước ta chỉ được xét một hồ sơ trong một lần xét hàng năm.

PVNăm 2017 cũng là năm đánh dấu việc Việt Nam tham gia ứng cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO và đã đánh giá cao khi lọt vào vòng 2. Là ứng cử viên, ông có thể chia sẻ những cảm xúc và trải nghiệm khi tham gia trực trực tiếp vào hành trình này?

Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu: Phải nói rằng, kể từ khi lập nước đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam có cá nhân ứng cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc. Điều này thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và là quyết sách của Chính phủ từng bước đưa người Việt Nam ra ứng cử và làm việc tại các vị trí của các tổ chức quốc tế. Mặc dù ứng cử viên của ta không về đích cuối cùng, nhưng cuộc tranh cử đã hoàn thành các mục tiêu đề ra từ đầu.

Đó là cơ hội khẳng định mạnh mẽ thông điệp Việt Nam mong muốn đóng góp một cách có trách nhiệm vào việc chung của thế giới, đồng thời giới thiệu năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam mong muốn và có khả năng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc. Quá trình tranh cử cũng thể hiện bản lĩnh đối ngoại vững vàng, tiến thoái hợp lý, đúng thời điểm, đóng góp có trách nhiệm vào việc gìn giữ các giá trị nhân văn cao cả vì hoà bình và vì con người của UNESCO.

Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với một số nước vì Ứng cử viên Việt Nam đã kết hợp việc tranh cử với việc trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ với một số nước ta chưa bao giờ cử đoàn sang mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao từ lâu. Không chỉ giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam, qua đợt này, đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương tham gia vận động của Việt Nam cũng trưởng thành hơn nhờ nhiều bài học kinh nghiệm giá trị từ việc làm hồ sơ đến kỹ năng thi viết, trả lời phỏng vấn và cách thức vận động.

PVLãnh đạo Bộ Ngoại giao luôn đánh giá cao tầm quan trọng của NGVN. Theo ông, đâu là những điểm còn tồn tại và là trọng tâm của công tác này trong năm 2018?

Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu: Trước tiên phải khẳng định rằng NGVN là một trong ba trụ cột của Ngoại giao toàn diện và hiện đại. Điều này đã được khẳng định bằng các văn bản pháp lý từ hơn 10 năm qua.

Trên thực tế, NGVH là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược được. Tuy nhiên cần nhận thức rõ hơn là NGVH là một hoạt động ngoại giao bằng các biện pháp văn hoá nhằm phục vụ phát triển đất nước. Vì vậy phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, tìm ra được các phương thức làm việc mới. Khác với các hình thức hoạt động đối ngoại khác, NGVH có thể triển khai ở trong và ngoài nước, tại hầu hết các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Nó được thể hiện xuyên suốt, lồng ghép với các hoạt động đối ngoại khác.

Thời gian qua, ta đã định hình được trụ cột NGVH và trở thành hoạt động thường xuyên của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam, khơi thêm lòng tự hào dân tộc. Nhiệm vụ chính sắp tới của NGVH là tập trung phục vụ phát triển và làm lan toả sức mạnh văn hoá sang các kênh đối ngoại khác.

Để làm được điều đó, trong năm 2018, Bộ Ngoại giao cần xây dựng Cẩm nang NGVH gồm các câu hỏi và câu trả lời về việc triển khai các hoạt động NGVH cụ thể ở trong và ngoài nước, cách thức góp phần quảng bá và thúc đẩy du lịch vào Việt Nam cũng như phát huy bản sắc văn hoá Việt khi ra nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Theo VOV