Sinh viên Khoa Địa lý - Địa chất, Trường ĐH Khoa học trong giờ thực tế

Không phải ngẫu nhiên, Đại học Huế là đơn vị đầu tiên và duy nhất nằm trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc được chọn để kiểm định chất lượng. Ngay từ năm 2016, Đại học Huế đã viết thư bày tỏ mong muốn kiểm định và làm hồ sơ đăng ký, đồng thời được phía tổ chức SHARE thông qua, chứng tỏ đơn vị giáo dục đại học trên mảnh đất Cố đô đang có những ưu điểm vượt trội.

Một trong những thông tin hữu ích nhất là kết quả khảo sát việc làm của sinh viên vừa được Đại học Huế thực hiện cho thấy, có đến hơn 89% sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp, trong đó, nổi bật là các đơn vị, như: Trường ĐH Y Dược (95,16%); Khoa Du lịch (97,94%), Trường ĐH Nông lâm (90,49%)… Không ít ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 100%, như: ngành Kinh tế (Khoa Du lịch); Công nghệ Sinh học (ĐH Khoa học); Kỹ thuật xét nghiệm (ĐH Y dược)… Trong bối cảnh giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị đào tạo đại học thì đây là những con số khẳng định chất lượng và sự thành công của một đơn vị.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Nông lâm nghiên cứu khoa học với thiết bị công nghệ cao

Năm 2017, quá trình kiểm định chất lượng, đánh giá ngoài trong nước tại các trường thành viên đã chỉ ra những điểm mạnh của Đại học Huế: đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; đội ngũ cán bộ chuyên môn có học hàm, học vị cao; các chương trình đào tạo liên kết với các đại học quốc tế tốt…; tỷ lệ đạt các tiêu chí đánh giá là 82 – 89%. Những kết quả này đã minh chứng tầm vóc của Đại học Huế trong bức tranh tổng thể giáo dục đại học.

Trong lần kiểm định này, một trong những đối tượng quan trọng được các chuyên gia chọn để phỏng vấn là nhà tuyển dụng. Thời gian qua, dẫu vẫn còn một số điểm hạn chế như sinh viên còn yếu các kỹ năng, thiếu tự tin… song chính doanh nghiệp thừa nhận sinh viên Đại học Huế có rất nhiều điểm đáng quý, đó là sự cần cù, chịu khó, kiến thức tốt, thái độ cầu tiến. Tại các ngày hội việc làm năm 2017, nhiều doanh nghiệp tiết lộ, những ưu điểm vừa kể đã giúp tỷ lệ sinh viên được nhận vào làm tại các doanh nghiệp ngày càng tăng, đây cũng là điểm cộng khi các chuyên gia đánh giá nhận xét.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học nghiên cứu về gen

Ông Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đã sẵn sàng cho việc kiểm định, đánh giá, trong đó đã chuẩn bị sẵn với 10 hộp minh chứng, khoảng 500 đầu mục của đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định, đáp ứng tốt cho quá trình kiểm định. Nhìn chung, cho đến nay hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Đại học Huế tương đối hoàn chỉnh với các bộ phận đảm bảo chất lượng giáo dục bên trong ở tất cả các trường, khoa, phân hiệu, trung tâm và liên kết, và có quá trình hợp tác tốt với các cơ quan đảm bảo chất lượng bên ngoài là Cục quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, mạng lưới đảm bảo chất lượng Giáo dục AUN – QA của Đông Nam Á và các tổ chức kiểm định quốc tế khác nên đó cũng là một lợi thế trong đợt kiểm định lần này.

Nếu như có một kết quả tốt, rõ ràng đây là cơ hội để Đại học Huế khẳng định thương hiệu và vươn mình ra thế giới bởi hiện nay, ở nhiều ngành nghề đã xóa những ranh giới tuyển dụng nhân sự giữa các nước mà “Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP)” giữa các nước trong khối ASEAN là một ví dụ điển hình. Chắc chắn rằng, khi thương hiệu được khẳng định trong khu vực, sinh viên Đại học Huế ra trường sẽ là nguồn lao động mà thị trường lao động các nước, đầu tiên là khu vực Đông Nam Á hướng đến.

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, nếu kết quả đánh giá chưa đáp ứng được chuẩn quốc tế, thì Đại học Huế sẽ phải tìm cách để thay đổi những mặt còn hạn chế, nhằm sớm khẳng định thương hiệu với xã hội. Tuy nhiên, đó không hẳn là “kịch bản” xấu, vì qua kiểm định, Đại học Huế sẽ nhận được nhiều khuyến nghị từ phía chuyên gia và xem đó là cơ hội nhìn nhận lại mình nhằm hoàn thiện hơn.

Việc kiểm định được diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, có thể ví đó như sự “mở hàng” đầu năm của Đại học Huế với cơ hội vươn xa thế giới. Và ở cơ hội này, xã hội có thể thấy Đại học Huế đang làm tốt được một trong những vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc nhở trong chuyến công tác đầu năm 2018: “Đại học Huế không được tự hài lòng, chủ quan với những gì đã đạt được mà phải luôn tích cực, chủ động hơn nữa…” và “Đại học Huế không thể chỉ là một trường địa phương mà phải phấn đấu trở thành trường quốc gia và ngang tầm quốc tế”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc