Theo câu đối tại chùa Cầu - Hội An (Thiên cẩu song tinh an cấn thổ. Tử vi lưỡng tướng định khôn thân) thì “thiên cẩu” này cho là hai vị thần trời cử xuống trần để canh giữ sự bình yên. Còn ở đền Định Vĩ, Hà Nội bệ thờ tượng “thần khuyển” bằng đá cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, miệng há, lưỡi thè ra… Người dân quanh vùng Định Vĩ và các làng lân cận đều đặn đến nhang khói bệ thờ ở đền vào các ngày rằm, mồng một, Tết… Điều này chứng tỏ, trong văn hóa dân gian, tín ngưỡng thờ “chó đá” vẫn được giữ gìn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, theo quan niệm của người Việt, con chó là vật giữ nhà, xua đuổi tà ma. Còn theo chuyện dân gian thì chó đá từng nhổm dậy mừng rỡ khi một người học trò đi qua và báo cho anh biết, kỳ thì sắp tới, anh sẽ đỗ đạt cao. Con chó là biểu tượng của sự gần gũi và mang điềm lành.
Bệ thờ được đặt ngay đầu làng |
Tại hai làng Phổ Trung và Phổ Đông, “thiên cẩu” được đặt ngay đầu xóm, dưới một bệ thờ có mái che, bên cạnh có đĩa dâng, nhang đèn… Theo các bậc cao niên thì tục thờ này có từ thời cha ông họ. Ban đầu, tượng “thiên cẩu” là những viên đá lớn được tạo hình sơ sài, phía dưới có khắc chữ. Qua thời gian, tượng thờ được người dân tạo hình mới hoặc mua tượng đá với hình dáng đẹp hơn thay thế. Bà Trần Thị Hảo, một cán bộ hưu trí ở làng Phổ Trung lý giải: “Nhiều người cũng tò mò, tranh cãi lý do tại sao làng thờ con vật thiêng này, sau mới được nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh giải thích. Người xưa cho rằng, do các điện thờ linh thiêng làng đối diện chiếu qua nên trong làng không có người đỗ đạt, thành danh. Thỉnh “thiên cẩu” về làng chính là để trấn giữ làng và phá thế “chiếu” của làng bên kia”. “Từ đó trở đi, đã có nhiều người đỗ đạt hơn không”, tôi hỏi. “Tôi không biết sử sách ghi chép thế nào nhưng các thế hệ sau này như tôi đều đỗ đạt và có công ăn việc làm, đó là điều đáng mừng đấy chứ”, bà Hảo tự hào.
Người dân Phổ Trung, Phổ Đông quét dọn, nhang khói ở bệ thờ "Thiên cẩu" |
Một người dân ở cạnh tượng thờ “thiên cẩu” làng Phổ Trung kể: “Tượng thờ này là do một người trung niên trong làng khéo tay đắp nên. Còn bệ thờ có mái che là một người nước ngoài tặng tiền cho làng xây dựng. Cúng xóm mỗi năm, chúng tôi đều dựng rạp trước “ngài thiên cẩu”, xôi chè, hoa quả đàng hoàng. Nhiều du khách nước ngoài khi ngang qua đều ghé thăm, kính cẩn thắp hương”. Theo mệ Hoàng Thị Hội, 83 tuổi, ở làng Phổ Đông, người thường xuyên nhang khói cho “ngài thiên cẩu” thì dân cư các làng bên thi thoảng cũng đến đây dâng bánh trái và thắp hương. Trong làng tui vào ngày rằm, mồng một, đầu năm, Tết… đều không quên ra tượng thờ thắp nhang.
Chưa thể lý giải một cách xác đáng về tính hiệu quả và sự linh thiêng trong tín ngưỡng thờ “thiên cẩu” ở hai ngôi làng Phổ Trung, Phổ Đông. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, nét văn hóa tâm linh này đã được duy trì và lưu giữ qua bao thăng trầm thời gian.