Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hôm 22-2 công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, theo đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 trên toàn cầu. Vị trí này tăng 6 bậc so với năm 2016.

Chỉ dấu tích cực

CPI xếp hạng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ về mức độ tham nhũng trong lĩnh vực công theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân. Thang điểm được chấm từ 0 đến 100, điểm càng cao thì càng trong sạch. Việc Việt Nam tăng 2 điểm, nhảy 6 bậc so với năm 2016, theo Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT, cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam), là chỉ dấu tích cực cho các nỗ lực phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.

Cũng theo nhận định của TT, trong năm qua, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật, cụ thể như sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, với 35 điểm, dù đánh dấu mức điểm tăng nhẹ năm thứ hai liên tiếp trong xếp hạng CPI, mức độ tham nhũng trong lĩnh vực công tại Việt Nam vẫn bị nhìn nhận là cao.

TT nêu rõ trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Kế hoạch Hành động quốc gia về các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 nhằm đạt được những thay đổi mang tính hệ thống, bền vững và "giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng và hối lộ" đến năm 2030, Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thiết chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.

Phiên tòa xử ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hồi tháng 1-2018 là một trong những đại án chống tham nhũng của Việt Nam Ảnh: REUTERS

Đa số nhích quá chậm

Về bức tranh toàn cảnh, TI đánh giá kết quả CPI 2017 vẫn đầy lo ngại. Bất chấp những nỗ lực chiến đấu chống tham nhũng trên toàn thế giới, đa số các quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn đang nhích lên quá chậm. Đáng chú ý, có tới hơn 2/3 quốc gia, vùng lãnh thổ dưới 50 điểm trong khi điểm trung bình toàn cầu là 43.

Được đánh giá là đang trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục để lộ mâu thuẫn cao về tham nhũng trong lĩnh vực công. Với số điểm trung bình chỉ đạt 44, khu vực này được cho là đang đi xuống về CPI. New Zealand là điểm sáng nhất trong khu vực khi tiếp tục giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng CPI 2017. Tuy nhiên, điểm số 89 của đảo quốc này đã giảm nhẹ 1 điểm so với năm 2016. Theo phân tích của TI, New Zealand hoặc một quốc gia nổi bật khác của khu vực là Singapore (xếp thứ 6), cũng đều dính phải những bê bối trong năm qua.

Các phân tích cũng cho thấy rất ít tiến triển trên toàn khu vực. Trong 6 năm qua, chỉ một vài nước đạt được những cải thiện khiêm tốn. Chẳng hạn, Indonesia có cuộc chiến dai dẳng chống tham nhũng nhưng trong vòng 5 năm qua, đất nước vạn đảo chỉ tăng vỏn vẹn 5 điểm từ 32 lên 37. Trong khi đó, theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ, Trung Quốc đại lục năm qua tăng 2 bậc lên vị trí thứ 77 nhưng điểm số 41 vẫn còn tương đối khiêm tốn.

Bảng xếp hạng CPI mới nhất nói trên cũng chứng kiến một số cuộc đổi ngôi đáng chú ý tại Đông Nam Á. Trái ngược với sự nhích lên của Việt Nam (107), Thái Lan (96), một số nước lại tụt hạng đáng kể so với năm 2016 như Malaysia (sụt 7 bậc, hạng 62), Philippines (sụt 10 bậc, hạng 111), Lào (sụt 13 bậc, hạng 135).

Không nằm ngoài dự đoán, khu vực cải thiện tích cực nhất là Tây Âu, với số điểm trung bình đạt 66. Khu vực "đen tối" nhất là châu Phi hạ Sahara (trung bình 32 điểm) và dưới đáy của bảng xếp hạng CPI 2017 là đất nước được mệnh danh thất bại nhất châu Phi - Somalia. 

Theo Người Lao Động