Người chưa có việc làm lại càng quyết tâm tìm việc. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp mở rộng cửa tuyển dụng lao động, bắt đầu cho năm sản xuất mới.

Việc làm là nhu cầu và quyền chính đáng của người lao động. Theo quy luật thị trường, nơi dễ kiếm việc làm, điều kiện lao động tốt và thu nhập cao thì sẽ thu hút nguồn nhân lực từ các nơi khác đến. Ở Thừa Thiên Huế, trong những năm qua nhiều nhà máy, khu công nghiệp được đầu tư xây dựng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, lực lượng lao động chưa có việc làm vẫn còn khá lớn, với nhiều trình độ, ngành nghề khác nhau. Có nhiều lựa chọn cho người lao động trong thời điểm hiện nay.

Trước hết, với tốc độ tăng trưởng khá cao của ngành công nghiệp (năm 2017 ước đạt 12,69%) cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, nhất là ở lĩnh vực dệt may. Các nhà máy được đưa về vùng nông thôn không chỉ giúp người lao động dễ tìm kiếm được việc làm mà còn giúp họ thuận lợi trong ổn định cuộc sống. Ly nông nhưng không nhất thiết phải ly hương. Ngành du lịch- dịch vụ có nhiều khởi sắc, khi bước vào chu kỳ phát triển mới sẽ là nơi đáng thử sức của những lao động trẻ, được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp bài bản. Sàn giao dịch việc làm tỉnh phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp về tận nơi tư vấn, tạo điều kiện cho người lao động gặp gỡ với các nhà tuyển dụng lao động…

Xuất khẩu lao động cũng là hướng có nhiều triển vọng khi mang lại nguồn thu nhập cao cho người lao động. Thông tin về doanh nghiệp được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động, các đơn hàng của Trung tâm Lao động nước ngoài trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đều được đăng tải công khai giúp người lao động dễ dàng tiếp cận, kiểm chứng thông tin tránh bị lừa. Một số địa phương còn chủ động kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hỗ trợ người lao động trong quá trình đào tạo nghề, học tiếng, vay vốn, làm thủ tục khi tham gia xuất khẩu lao động…

Trên bình diện rộng hơn, theo dự báo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, bức tranh thị trường lao động Việt Nam năm 2018 hứa hẹn sẽ khởi sắc, đáp ứng những kỳ vọng tuyển dụng của người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, giảm dần lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Vì vậy, để tìm được việc làm phù hợp, thu nhập tốt, người lao động cần phải định hướng nghề nghiệp rõ ràng và học nghề một cách nghiêm túc. Ngoài chuyên môn tay nghề cao, người lao động cũng cần trang bị thêm ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật lao động và đạo đức nghề nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, để tìm và giữ được những lao động có kỹ năng, tay nghề, các nhà quản lý cần tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học, trường nghề trong đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, gắn thực hành với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, có chế độ đãi ngộ tốt để giữ chân lao động, nhất là nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Đây là hướng đi đang được các trường đại học ở Huế đẩy mạnh, góp phần giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hoàng Minh