Trong năm 2017, cứ 4 khách quốc tế đến Huế thì cố 1 khách Hàn Quốc
Bị động
Thống kê từ Sở Du lịch, năm 2016, khách Hàn Quốc đến Huế chiếm 16,23%. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc vươn lên đứng đầu bảng các thị trường khách đến Huế. Năm 2017, khách Hàn Quốc đến Huế còn tăng mạnh hơn, chiếm đến 25,5%. Chính sự tăng trưởng mạnh của khách Hàn mà du lịch Huế có một năm “ăn nên làm ra”, nhất là các khách sạn 4-5 sao khi nhu cầu của khách Hàn đa số chọn ở hạng sang.
Dù Hàn Quốc là dòng khách chủ lực, nhưng Huế còn rất bị động trong khâu thu hút, tổ chức và giữ chân. Trước tiên là việc thu hút khách, Huế chưa có lữ hành có thể trực tiếp đưa khách về và cũng không có các lữ hành Hàn Quốc sang mở chi nhánh ở Huế. Hiện nay, khách Hàn Quốc đến Huế hoàn toàn chi phối bởi bên ngoài, cụ thể là từ Đà Nẵng. Chính việc phụ thuộc này khiến Huế càng tiếp tục bị động trong việc đón, phục vụ khách, nhất là quyết định số ngày khách ở Huế.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Khách sạn Mondial thông tin, lượng khách Hàn Quốc đến Huế tăng, nhưng phần lớn ra Huế rồi quay trở lại Đà Nẵng trong ngày, nếu có ở lại Huế thì cũng chỉ đúng một đêm, hầu như không có đêm thứ hai. “Tôi đã tìm hiểu nguyên nhân, khi sắp xếp lịch trình tour ở miền Trung, Huế là điểm đến cuối. Trong khi đó, giờ bay từ Đà Nẵng đi Hàn Quốc đa phần lại rơi vào buổi sáng, để kịp chuyến bay, đêm cuối cùng khách phải ngủ ở Đà Nẵng. Đối với các tour dài ngày, các nhà làm tour sắp xếp khách ở lại Huế, còn tour ngắn ngày thì Huế chỉ là điểm tham quan. Như vậy để thấy hai nguyên nhân chính, Huế đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp ở Đà Nẵng và sân bay của Huế chưa có đường bay thẳng sang Hàn Quốc và ngược lại.
Khách Hàn Quốc khám phá Huế trong mưa
Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, qua tìm hiểu về nhu cầu của khách Hàn Quốc, nhìn chung khách Hàn khá đơn giản và dễ tính trong việc sử dung các dịch vụ. Khách Hàn chủ yếu lựa chọn đi tham quan, thưởng thức ẩm thực và mua sắm. Huế chưa có địa điểm mua sắm lớn để phục vụ, do đó, chi phí thu được từ khách Hàn không nhiều, chủ yếu thu từ dịch vụ lưu trú và phí tham quan.
Một vấn đề được đề cập nhiều lần và cho đến nay vẫn còn là bài toán nan giải. Với một lượng khách Hàn quá lớn, nhưng Huế chỉ có vỏn vẹn 10 hướng dẫn viên ngôn ngữ tiếng Hàn. Theo Sở Du lịch, khách chủ yếu từ Đà Nẵng đưa ra và đã có hướng dẫn viên đi cùng. Trước đó, phía Đà Nẵng có gửi văn bản ngành du lịch Huế và đề nghị phía Huế chấp nhận để họ sử dụng một lượng lớn sinh viên, người không chuyên đã qua tập huấn, cấp thẻ tạm để hành nghề khi ra Huế. Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho hay, dù sử dụng giải pháp này, nhưng số lượng hướng dẫn viên vẫn không đủ. Do thiếu hụt nghiêm trọng, ngành du lịch đành chấp nhận “lơ”, bởi vì nếu "làm căng" sẽ ảnh hưởng đến lượng khách đến và hình ảnh của du lịch Huế.
Liên kết thôi chưa đủ
Xúc tiến quảng bá của Huế đến thị trường Hàn Quốc vẫn chưa đạt hiệu quả. Ngành du lịch lý giải, các chuyến xúc tiến quảng bá ở Hàn Quốc được tổ chức chung với hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Những lần tham gia hội chợ ở Hàn Quốc chủ yếu nhằm đưa khách từ các nơi đến với Hàn Quốc. Còn các hội chợ để bán sản phẩm, đưa khách Hàn sang Huế thì Huế lại chưa tham gia. Vì thế, hình ảnh cũng như các sản phẩm ở Huế chưa nhiều người dân và doanh nghiệp du lịch ở Hàn Quốc biết đến.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, theo cơ quan du lịch quốc gia Hàn Quốc – Trung tâm Asean – S. Korea, xu hướng du khách Hàn Quốc tìm thông tin du lịch và mua tour qua internet gia tăng với tốc độ đáng kể. Hiện Hàn Quốc có 41 triệu người dùng internet. Do đó, biện pháp tiếp cận tốt nhất đối với thị trường Hàn Quốc là marketing trực tuyến. Ngành đang liên kết với các công ty du lịch trực tuyến lớn để tăng cường quảng bá Huế đến thị trường Hàn Quốc bằng chính ngôn ngữ Hàn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường bán tour online, tổ chức tour đảm bảo chất lượng về dịch vụ để khi về nước sẽ truyền miệng cho bạn bè, người thân của mình.
Để khách Hàn Quốc lưu trú lâu hơn, qua đó tăng mức chi tiêu, theo ông Lê Hữu Minh, với thực tế lữ hành của Huế còn yếu, chưa đủ sức để trực tiếp đưa khách Hàn bằng các tour tuyến riêng thì giải pháp trước mắt ngành sẽ đẩy mạnh liên kết với Đà Nẵng. Hai cơ quan quản lý sẽ tăng cường tạo ra nhiều diễn đàn để doanh nghiệp hai địa phương có sự liên kết, sớm đạt các thỏa thuận hợp tác.
Chu kỳ của mỗi dòng khách chỉ khoảng 5 năm, khách Hàn Quốc đã đến Huế nói riêng và miền Trung nói chung đã 2 năm, như vậy, chu kỳ chỉ còn 2-3 năm nữa. Thời gian qua công tác tìm hiểu xu hướng khách đến Huế để có các sản phẩm và giải pháp đón đầu chưa được thực hiện tốt. Nếu “nước đến chân mới nhảy” thì Huế sẽ còn tiếp tục bị động, không chỉ riêng dòng khách Hàn mà nhiều dòng khách khác nữa trong tương lai.
Bài, ảnh: Đức Quang