Biến cát thành… tôm

Là xã ven biển nên từ quốc lộ 49B đến Phong Hải dài chừng 1km trắng xóa là cát. Cát trải dài mênh mông. Cát thành gò, thành đôộng. Cát nhiều là vậy, đất trồng trọt lại không, nên để sinh nhai, người dân nơi đây chỉ độc mỗi nghề đi biển. Mà đi biển thì ngày được ngày mất, có khi phải “van vái” chỉ mong đủ no mỗi khi trái gió, trở trời.
 
Nhưng đó chỉ là chuyện “ngày xửa, ngày xưa”. Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu phát triển ở một số tỉnh miền Nam và sau đó, phong trào này du nhập vào Thừa Thiên Huế. Và đó cũng là tiền đề để Phong Hải trở mình, cũng như dần xóa được cái biệt danh “làng xài tiền đô”.
 
Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Viết Từ đang là Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải. Ông được lãnh đạo xã phân công tìm hiểu và nghiên cứu quy trình nuôi tôm trên cát để triển khai nhằm giúp bà con trong xã cải thiện sinh kế.
 

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại Phong Hải
 
Ông Từ nhớ lại: “Tôi cất công đi tìm hiểu ở một số tỉnh miền Nam và cả ở một số xã lân cận nhưng thấy mô hình nuôi tôm sú khá phiêu lưu khi loài tôm này sức khỏe yếu và việc xây dựng hồ nuôi còn nhiều điểm chưa hợp lý…”.
 
Từ nhận định của ông Từ, trước “cơn bão” nuôi tôm sú, ngư dân Phong Hải vẫn “án binh bất động” chứ không vội vàng đầu tư như một số xã lân cận khác. Nhờ vậy, dù đời sống chưa được cải thiện nhưng ít nhất, Phong Hải không bị điêu đứng vì tôm như một số nơi.
 
Thời gian sau, khi mô hình đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở các hồ trên cát thành công, ông Từ - lúc bấy giờ đã là Chủ tịch UBND xã – một lần nữa lại cất công đi tham quan học tập ở  nhiều nơi. Với nhiều kinh nghiệm quý báu đúc rút sau chuyến đi, ông quyết định làm “chuột bạch” khi đưa một số diện tích vào nuôi thử nghiệm. Mình phải thực tế, phải lăn ra mà làm mới mong bà con tin, ông Từ cho biết.
 
Vụ đầu tiên có lãi nhưng thật ra, đó không phải là điều duy nhất khiến ông Từ mừng. Quan trọng là sau khi nuôi thử nghiệm, ông đúc kết được, sức chống chịu của loại tôm thẻ chân trắng hơn hẳn tôm sú, là mô hình kinh tế hợp với người dân Phong Hải. Hiện, toàn xã có trên 63 ha tôm nuôi với hơn 50 nhóm hộ gia đình tham gia, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho gần 300 lao động tại địa phương.
 
Bên cạnh câu chuyện nuôi tôm trên cát đã và đang giúp người dân Phong Hải thoát nghèo, tiến tới làm giàu, ông Từ còn được biết đến là một trong những người có công khi đưa thương hiệu nước mắm Đảnh Vân lan tỏa ra tận nước ngoài. Đã từ lâu, đặc sản của Phong Hải là loại nước mắm có mùi thơm và độ đạm cao nhưng lại không thể để lâu, tầm 3, 4 tháng là hỏng. Cũng thời điểm đó, lãnh đạo xã Phong Hải đang trăn trở làm thế nào để thay đổi hình ảnh của địa phương. Cuối cùng, nước mắm chính là vấn đề mà ông Từ nghĩ đến. Nói là làm, ông đã chỉ đạo và tạo điều kiện để bà Nguyễn Thị Đảnh và bà Hồ Thị Vân đi học tập cách bảo quản cũng như cập nhật thêm công nghệ nước mắm từ những nơi khác.
 
Và đến bây giờ, nước mắm Đảnh Vân không chỉ có thương hiệu trong nước mà còn lan tỏa ra nước ngoài. Thêm một điều đáng mừng, nước mắm Đảnh Vân còn là “hậu phương” cho dịch vụ nghề cá của xã khi mỗi năm tiêu thụ gần 100 tấn sản phẩm hải sản tại địa phương.
 
Xây dựng trang thông tin điện tử cấp xã đầu tiên của cả nước
 
Câu chuyện về ông Từ chưa dừng ở đó. Tháng 10/2011, Phong Hải là xã đầu tiên của cả nước có trang thông tin điện tử với địa chỉ truy cập phonghai.thuathienhue.gov.vn. Đây được xem là một sự kiện nổi bật của một xã vùng biển Thừa Thiên Huế.
 
Trước thực trạng còn những hạn chế về công tác điều hành, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật đến với người dân, dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của địa phương, ông Từ lại tiếp tục là người tiên phong xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử của xã. Ông tin rằng, việc này sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và đặc biệt là nâng cao hiệu quả chất lượng công tác phục vụ nhân dân.
 

Theo ông Từ, việc xây dựng trang thông tin điện tử của xã sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phục vụ nhân dân 
 
Theo ông Từ, trước mắt, trang thông tin điện tử này cung cấp thông tin các sự kiện, hoạt động, văn bản… diễn ra trên địa bàn xã đến với người dân, giới thiệu đầy đủ các tiềm năng thế mạnh của địa phương nhằm quảng bá, thu hút sự ủng hộ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân đối với xã Phong Hải.
 
Giai đoạn tiếp theo, sau khi nhận thức của cán bộ, nhân dân trong xã về công nghệ thông tin được nâng cao, trang thông tin điện tử của xã Phong Hải sẽ triển khai một số dịch vụ công nhằm cung cấp công cụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã tiến hành thủ tục hành chính nhà nước một cách hiệu quả, ông Từ cho biết thêm.
                       
Vĩ thanh
 
Từ một vùng quê nghèo, xã Phong Hải đã và đang trở mình thành địa phương dẫn đầu của tỉnh về công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và câu chuyện về một Phong Hải thay da đổi thịt đang được người dân Phong Hải viết tiếp bằng những hành động cụ thể mà ở đó, những đóng góp của ông Từ là điều không thể chối bỏ. Không nói gì đến thành quả và sự đóng góp cho quê hương, trong công việc của mình, ông Từ chỉ cười thật hiền và bảo, chỉ mong được như Bác 1% là đã tốt lắm rồi.
Võ Nhân