Nhà mô giàu, sang trọng, “hoành tráng” thì nuôi trong bể cạn, nhà tuyềnh toàng thì nuôi trong cái lu, vại chứa nước mưa. Còn tôi thì nuôi trong cái ghè đựng dưa môn của ngoại. Ghè đã bị bể miệng nên ngoại vứt bỏ ngoài vườn.

Hàng ngày, đi học về là tôi cắm đầu vào cái ghè cá ngũ sắc để chăm sóc, quan sát đàn cá “cưng” với đủ sắc màu. Cũng vì chịu khó tìm hiểu, nên tôi nhận ra con nào là tạp ăn, con nào tính tình hung dữ, con nào háu đá… Mỗi lần đi tắm sông, tôi không quên lặn một hơi để vớt vài cây rong măng lên thả cho mát cá. Rồi những miếng thịt heo, thịt bò chút xíu còn dính trên tấm thớt gỗ của ngoại cũng được tôi tận dụng làm thức ăn cho cá. Cứ thế mà đàn cá lớn nhanh, trổ màu, ra đuôi, mấy con cá cái ăn uống được sức nên bụng cứ phình to rồi đẻ ra mớ cá con đặc sệt trong bể nước. Đặc tính của loại cá này là khi sống trong môi trường tập thể thì rất hiền hòa, không bao giờ đá nhau, nhưng khi bắt ra từng cặp một bỏ trong chậu (chén) thì tức tốc xảy ra trận chiến tơi bời, đá nhau kịch liệt đến trầy vi tróc vảy mới thôi. Người ta thường nói: “Ngựa non háu đá”, nhưng đối với loài cá ngũ sắc thì ngược lại, con nào nhiều ngày tuổi hơn thì có sức mạnh hơn, có độ bền để theo đuổi, tấn công đối phương đến cùng, chứ nhất định không chịu "dừng cuộc chơi". Khi lên “sới”, mặc dù cả hai con đang mệt nhừ, đói lả, chủ nhân cho thức ăn vào nó vẫn bình thản đấu tiếp, mặc cho thức ăn cứ bồng bềnh trôi theo vòng nước xoáy do nó tạo ra.

Khi cá ngũ sắc mới đẻ thì toàn là màu đen, qua vài ngày tuổi cho đến vài tuần thì bắt đầu trổ màu rõ rệt trên lưng, mình, đuôi cá. Nào vàng, lửa (đỏ), xanh… Từ cuộc sống bầy đàn cho đến khi những chú cá đến tuổi “vị thành niên”, đầu vạm vỡ, đuôi dài rõ màu thì bắt đầu được tôi tách riêng cho vào cái chậu đá, chén sành, chén gốm để “om”, có khi năm bảy con, có khi bắt riêng ra 2 con để tập cho nó quen dần với “trận đấu”. Qua "sát hạch", những con cá nổi trội nhất đàn được tôi tách riêng để chăm sóc đặc biệt, chờ ngày “xuất quân” thi thố tài năng với lũ cá của mấy đứa trong xóm, khi đã giành được giải nhất, nhì của xóm mới mạnh dạn “đem chuông đi đánh xứ người” ở đầu làng, cuối thôn.

Còn nhớ, thi đấu cấp làng thì giải nhất là một cái chậu xi măng bằng nửa quả dừa lớn mà “Ban tổ chức” đã chuẩn bị sẵn. Nhì là cái chén cỡ lớn (còn gọi là chén bộ đội). Giải ba là cái vỏ lon sữa không hơn không kém. Thế nhưng bọn trẻ trong xóm, trong thôn vẫn quyết tranh giải kịch liệt.

Tổ chức thi đấu nghiêm túc, có trọng tài, tổ giám sát và diễn ra công khai giữa “thanh thiên bạch nhật” là giữa cái sân đất đầu làng. Có lần, con cá tia lửa của thằng Quý vừa “rinh” giải nhất về chưa kịp ngơi nghỉ thì bị nó sơ ý đánh rơi cái chậu mới toanh - phần thưởng của “Hội cá ngũ sắc” của làng, và con cá “ra đi” mãi mãi. Tiếc đứt ruột Quý nằm thừ mấy ngày liền không ăn, còn tôi thì mừng vì “nhất đi, nhì nổi”. Qua từng trận đấu nảy lửa, những con cá đoạt giải cao được mấy anh có tiền mua lại về “om” tiếp để dự thi đá cá ngũ sắc với các làng lân cận. Cứ thế, cuộc thi tuyển chọn cá đá bắt đầu từ nhà đến xóm, rồi cấp làng, và lớn nhất là “giao lưu” giữa các làng với nhau đã tạo nên mối q uan hệ thân thiết giữa bọn trẻ chúng tôi ngày ấy. Từ đó, việc học hành cũng được trao đổi cởi mở, chân tình.

Võ Văn Dần