NSƯT Thu Hằng diễn ngâm những bài thơ về Hải Vân quan của các nhà thơ thuộc Hội thơ Hương Giang

Ngày 26/2, chương trình thơ “Đồng hành cùng di sản, lịch sử truyền thống” do Hội thơ Hương Giang của Thừa Thiên Huế và các nhà thơ đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam tổ chức ngay trên đỉnh Hải Vân quan với sự góp sức của Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng, NXB Văn học đại diện miền Trung Tây Nguyên, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn chương Việt Nam tại miền Trung Tây Nguyên, UBND Quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), Ban Liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 87 Đà Nẵng. Không chỉ là hoạt động hưởng ứng sớm nhất Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, chương trình còn là tiếng lòng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất quan ải này, là niềm vui trước sự kiện Hải Vân quan được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. 

Trước khi vào chương trình thơ, những người có mặt tại chương trình đã có những phút giây lắng đọng tưởng nhớ công ơn các bậc tiên liệt, tiên hiền và các anh hùng liệt sĩ nơi “Đệ nhất hùng quan” khi nghe Anh hùng lực lượng vũ trang - Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công 87 kể về những chiến công hào hùng oanh liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại cửa ải hiểm trở này. Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng nhấn mạnh: “Năm tháng qua đi nhưng những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 sẽ mãi được ghi tạc vào lịch sử dân tộc ta như một thiên hùng ca bất hủ. Chương trình “Đồng hành cùng di sản, lịch sử truyền thống” cùng nhau dâng nén hương tưởng nhớ các bậc tiền bối đã anh dũng đấu tranh và ngã xuống trên mảnh đất này, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm xuống cho hòa bình và độc lập của dân tộc”. 

“Hải Vân sóng biển vỗ gành/ Mây bay trắng ải xây thành núi giăng/ Vùi chôn quân giặc xâm lăng... Dang tay ngỡ chạm trăng sao/ Chạm vào di tích, chiến hào năm xưa”, những câu thơ hào hùng của Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng, Trưởng đại diện Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng vang lên cũng là lúc gióng lên tiếng trống báo hiệu tiếng thơ bắt đầu... khuấy động núi rừng.

Những bài thơ viết về Hải Vân quan của các nhà thơ thuộc Hội thơ Hương Giang và các CLB thơ ở Đà Nẵng, Quảng Nam được in trong tập “Hải Vân - Cõi quan san” lần lượt được các nghệ sĩ Hiền Lương, Thu Hằng, Mai Lê của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và nghệ sĩ đến từ Đà Nẵng diễn ngâm trong nỗi lòng tâm tình thương nhớ. Mỗi bài thơ là một nỗi niềm xúc cảm, chuyển tải tâm tình của các tác giả dành cho thắng cảnh nổi tiếng này. “Hải Vân quan” của nhà thơ Phan Công Tuyên, “Dấu tình” của Thạch Châu, “Đất của huyền thoại” của Đinh Minh Sang hay “Đong đầy nỗi nhớ” của Hoàng Xuân Thảo, “Thắp sáng giang sơn” của Kim Đông... là lời thì thầm với mây, với núi, với đá, với biển, với hoa, là những câu thơ nặng trĩu tâm tình. Hầu hết những nhà thơ qua đây đều chung trạng thái bâng khuâng, xao xuyến, luyến lưu...

Hải Vân quan - nơi quan ải một thời rập rình trống chiêng, vó ngựa, cũng là nơi phong cảnh nên thơ, núi non hùng vĩ, biển tiếp núi, núi tiếp trời. Nơi chứng tích bao điều dời đổi, nơi trời nước mênh mang nỗi buồn, làm ngậm ngùi lòng ai nỗi niềm viễn xứ ly hương... Các nhà thơ thuộc Hội thơ Hương Giang của Thừa Thiên Huế và những nhà thơ đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam hẳn khó cầm lòng trước một vùng trời mây, non nước u buồn, trầm lắng, con đường đèo gập ghềnh heo hút, quan san. Họ đã đến, trao gửi bao tâm tình, cảm xúc và tập thơ “Hải Vân - Cõi quan san” ra đời. Tập thơ gồm 95 bài thơ của 89 tác giả do NXB Văn học ấn hành trước thềm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, như một món quà kỷ niệm thay lời tri ân bao lớp người đi trước đã ngã xuống và làm nên một kỷ niệm đẹp trong hành trình hướng về cõi quê hương chung.

Ông Phan Công Tuyên, Chủ tịch Hội thơ Hương Giang chia sẻ: “Hải Vân quan sau một thời gian hoang phế nay đã là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là điều đáng mừng, là nguyện vọng của hai địa phương để bảo tồn và gìn giữ một cửa ải với đầy chứng tích một thời của ông cha, một thắng cảnh thiên nhiên. Trước vận hội mới của quê hương, những nhà thơ và những người yêu thơ miền “sông Hương, núi Ngự” và xứ Quảng - Đà bằng tiếng nói tâm tình của mình đã phối hợp với nhau sáng tác và xuất bản tập thơ “Hải Vân - Cõi quan san”. Khi tập thơ được phát hành, chúng tôi cùng hội tụ đến Hải Vân quan để ngợi ca thơ, tạo sự giao lưu, đoàn kết giữa những người làm thơ, yêu thơ của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, Quảng Nam, từ đó cùng vun đắp tình đoàn kết”.

Cùng hội tụ về một địa điểm đặc biệt để cùng trẩy hội xuân, trẩy hội thơ, chương trình “Đồng hành cùng di sản, lịch sử truyền thống” mang đến cho mọi người xúc cảm thi vị khi cùng hòa mình với thiên nhiên, với thơ ca, với truyền thống lịch sử. Đồng vọng bao tầng lớp lịch sử hiện về, những vần thơ về Hải Vân quan khơi dậy trong lòng người nghe tình cảm yêu nước, sự trân trọng giá trị lịch sử văn hóa của cha ông để lại để cùng giữ gìn và phát huy nơi này xứng danh là “Hải Vân đệ nhất hùng quan”.

Bài, ảnh: Trang Hiền