Không ai có thể nghĩ rằng, khi xã hội đã ngày càng phát triển hiện đại hơn trên nền tảng của công nghệ, và trước mặt là những chuyển động của cách mạng công nghệ 4.0 nhưng việc cúng bái, mê tín, dị đoan vẫn không mất đi mà ngày càng có vẻ trầm trọng hơn.

Chưa có một thống kê cụ thể nào về những tổn thất, thiệt hại và những tác động tiêu cực ở hoạt động này nhưng chắc chắn, đó là những con số không hề nhỏ. Đầu năm 2012, trang Thông tấn xã Việt Nam đã đưa ra con số ước lượng là mỗi năm, người Việt Nam đã đốt trên 50.000 tấn vàng mã và 400 tỷ đồng mới chỉ là chi phí của người Hà Nội qua vàng mã. Không thể áp cái chung của một địa phương cho cả nước, nhưng cũng chắc chắn đây sẽ là một con số không hề nhỏ. Thậm chí nó còn hơn cả nguồn thu trong một năm của một địa phương ở các vùng khó khăn.

Nhưng đâu chỉ có lãng phí về mặt tiền của. Những hệ lụy khác cũng đã nảy sinh từ tục cúng, đốt vàng mà khi đã có những nơi do tác động của hành động này mà rừng cháy, cây xăng cháy khi xe nhập xăng bén lửa từ nơi người ta đang hóa vàng sau cúng... Ngay tại TP. Huế, nỗi lo rừng phòng hộ trên núi Ngự Bình khi người dân đi thăm mộ, đốt hương, giấy vàng bạc... bao giờ cũng phấp phỏng khi vào mùa khô vì nó đã xảy ra đến vài lần. Tuy nhiên, tác động tiêu cực nhất có lẽ là những vấn đề về môi trường. Điều này có thể thấy rõ khi người dân đốt vàng mã vào các ngày rằm, lễ tết dọc đường, thả giấy vàng bạc theo đám tang ngay giữa trung tâm thành phố; rải vàng mã trên các tuyến sông... Ngay cả việc đến làm ra hơn 50.000 tấn vàng mã theo ước lượng của năm 2012 trên địa bàn cả nước, cũng đã có thể hiểu về sự mất mát, lãng phí và tác động tiêu cực về tài nguyên giấy để phục vụ cho hoạt động này.

Những tác động về mặt văn hóa không thể đo đếm được ngay, nhưng có thể thấy được nhận thức đang có vấn đề của một bộ phận dân chúng khi tìm đủ mọi cách để xin (hoặc mua qua hành động nhét tiền vào các tượng Phật) lợi lộc. Nó làm cho môi trường của các đền chùa vốn thanh tĩnh quá nhuốm màu vật chất. Có lẽ chính vì những điều này mà đầu mùa lễ hội 2018 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 31 gửi Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn đồng bào Phật tử "loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa; tuyên truyền, vận động phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo để tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức...".

Trước đó vào tháng 8/2016, UBND TP. Huế Quyết định số 6113/2016/QĐ-UBND ngày 17/8 về việc ban hành Quy định về đốt và rải vàng mã trên địa bàn TP. Huế và quy định đi kèm. Mục đích của quy định này không có gì khác hơn là để nâng cao nhận thức của cá nhân, hạn chế vấn đề vi phạm an toàn giao thông trật tự, an toàn công cộng phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và giảm sự mê tín dị đoan, nâng cao thuần phong mỹ tục của dân tộc khi đốt, rải vàng mã... Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề này xem ra cũng chưa tạo được nhiều thay đổi và cơ bản nhất, là thay đổi về mặt nhận thức.

Vận động, tuyên truyền để thay đổi hành vi vẫn đang được xem là giải pháp chính. Về lâu dài, có lẽ cũng phải xây dựng chế tài bằng thuế và xem hàng mã là một mặt hàng cần được lưu ý để áp thuế cao; đồng thời có cả chế tài đối với những người đốt/thả vàng mã không đúng nơi quy định để người dân cũng nghiêm túc thực hiện.

Nguyễn An Lê