Từ khi được danh hiệu ấy, ba càng ra sức tìm tòi, siêng đọc sách báo nhiều hơn để bổ sung kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

Trước đây, ba chỉ làm theo kinh nghiệm, bây giờ còn trang bị cả máy vi tính nối mạng để cập nhật kiến thức nhà nông hàng ngày. Ngày thì tảo tần ngoài ruộng đồng chăm sóc lúa, hoa màu, tối đến ba cần mẫn học đánh máy, lên mạng “đao” tài liệu, rồi chăm chú đọc, ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay để trên đầu giường như “vật bất li thân”.

Tôi hỏi: “Trước đây, con không thấy ba siêng đọc bao giờ, răng bữa ni ba chăm chỉ nghiên cứu sách, báo rứa?”.

Ba cười: “Thời đại công nghệ 4.0 rồi con ạ! Nếu mình không học ắt sẽ tụt hậu, thua kém mọi người là cái chắc”. Có điều, ba không chỉ lo làm phong phú kiến thức bản thân; tài liệu nào hay, quý, thiết thực, sát với công việc ruộng đồng, vườn tược thì phô tô, cấp phát cho mọi người trong xóm, thôn cùng tìm hiểu để áp dụng vào thực tế công việc sản xuất, chăn nuôi.

Có những cái người ta chưa biết, ba biết trước, họ chưa đọc lần nào thì ba đã đọc nghiền ngẫm, thậm chí thuộc làu, nói vanh vách như “Giáo sư chuyên ngành”, bởi thế, ba còn được mọi người gán cho cái tên “ông Xuân cập nhật”.

Mùng 4 tết mọi người còn nghỉ ngơi ăn chơi, còn ba thì thăm đồng ngày hai lần, quan sát tỉ mỉ thân cây lúa, rau... để kịp thời phát hiện tình hình sâu rầy cắn phá mà có biện pháp bơm phun kịp thời, quyết triệt tiêu hiện tượng “mất mùa riêng” mà một số bà con nông dân trong xóm, thôn từng bị do chủ quan, không thăm đồng thường xuyên.

Mùng 5 tết vừa rồi ba thăm đồng, đi ngang qua ruộng lúa của ông P. thì phát hiện ông này giăng điện bẫy chuột. Sợ nguy hiểm tính mạng bà con, ba vội vã chạy đến nhà ông P. đề nghị tháo dỡ. Ông P. một mực từ chối: “Ruộng của tui thì quyền tui, tui muốn làm chi thì tui làm, mắc mớ chi ông xen vô? Đầu năm, đầu tháng mà… vô duyên”.

Ba trấn an: “Đúng là tài sản của anh thì quyền anh quyết định, nhưng tui chỉ sợ bà con mình đi thăm đồng, nếu vô tình vấp phải, dẫm đạp dây điện thì hậu quả sẽ khôn lường”.

Trước thái độ cương quyết không nghe lời góp ý chân thành, không chịu tháo dỡ dây điện của ông P. nên ba dọa: “Nếu anh không tháo dỡ, tui về báo ủy ban ngay bây giờ”. Nghe cũng có lý, phần vì sợ nếu xã biết thì nhà ông sẽ bị xử phạt hành chính, bị tịch thu “tang vật” nên ông P. tức tốc chạy ra đồng cuốn dây, tháo điện.

Kể chuyện thăm đồng đầu năm Mậu Tuất và cái dây điện bẫy chuột của ông P. rồi ba "chốt": “Mình biết phải để cho mọi người cùng biết, ước nguyện làm răng cho kinh tế nhà mình và của cả xóm, làng ngày càng phát triển, tiến lên, để không ai bị bỏ lại ở phía sau”.

VÕ VĂN DẦN