Nguyên nhân số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với tháng 1, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là do tháng 2 trùng với thời điểm kỳ nghỉ Tết Âm lịch (kéo dài 8 ngày từ 13/2 đến 20/2/2018).

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 2 tổng vốn đăng ký  của doanh nghiệp thành lập mới là 99.062 tỷ đồng, tăng 44,0% về số doanh nghiệp và tăng 59,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 71.120 lao động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 2 trên cả nước là 2.319 doanh nghiệp, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.    

Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 18.703 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 197.333 tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 2 tháng đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 156.410 lao động, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng doanh nghiệp đăng ký tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy (có 6.460 doanh nghiệp, chiếm 34,5%);  xây dựng (có 2.418 doanh nghiệp, chiếm 12,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.291 doanh nghiệp, chiếm 12,2%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.436 doanh nghiệp, chiếm 7,7%);...

Như vậy, xét về số lượng và tốc độ gia tăng doanh nghiệp thì ngành: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2017 thì ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất (67,5%). 

Theo TTXVN