Vườn ươm giống ở Lộc Tiến
Thành công bước đầu
Theo tính toán của Sở NNP&TNT, mỗi năm trên địa bàn tỉnh trồng mới khoảng 6.000 ha rừng, bình quân mỗi ha cần khoảng 3.000 cây giống; như vậy mỗi năm cần 18 triệu cây, tương ứng với 18 triệu túi polyetylen dùng để ươm giống. Số túi ni lông này thải bỏ gây ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu của ngành lâm nghiệp đến năm 2020 sẽ phát triển và hình thành 13 ngàn ha rừng trồng gỗ lớn, trong đó có hơn 40% diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC (Hội đồng quản trị rừng). Vấn đề đặt ra đối với ngành lâm nghiệp là tìm giải pháp sản xuất, gieo ươm cây giống lâm nghiệp TTVMT nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trước yêu cầu mới.
Ông Võ Văn Dự thông tin, mới đây ngành lâm nghiệp đã triển khai dự án gieo ươm cây giống lâm nghiệp TTVMT (không sử dụng túi bầu bằng PE). Thay vào đó hoàn toàn sử dụng hỗn hợp ruột bầu bằng các loại phụ phẩm lâm, nông sản từ chất hữu cơ và túi bầu bằng giấy tự hoại, kích thước bầu tương tự như bầu PE nhưng trọng lượng nhẹ hơn. Đây được xem là giải pháp góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng rừng trồng, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người trồng rừng.
Được sự hỗ trợ từ Dự án Mây Tre Keo bền vững-WWF, Công ty TNHH 1 TV Vũ Minh đã xây dựng xưởng sản xuất cây giống lâm nghiệp TTVMT, đóng tại xã Lộc Tiến (Phú Lộc). Công nghệ sản xuất được sử dụng dây chuyền, thiết bị cơ giới tạo túi bầu tự hoại với nguyên liệu 100% chất hữu cơ từ nguyên liệu phế thải như mùn cưa, dăm gỗ loại thải, vỏ trấu, xơ dừa, vỏ đậu... Hầu hết các công đoạn gieo ươm đều được cơ giới hóa, tự động hóa từ khâu trộn hỗn hợp ruột bầu đến khâu cuộn túi bầu hữu cơ, cắt bầu…
Từ khi áp dụng công nghệ mới này, Công ty TNHH 1TV Vũ Minh đã gieo ươm thử nghiệm thành công 500 ngàn cây giống keo lai với các giống chất lượng như dòng BV10, BV16, BV32, BV33. Giống hom keo lai được tuyển chọn từ cây mô đầu dòng trồng làm vườn cây mẹ (vườn cung cấp hom). Hiện cây con gieo ươm đang sinh trưởng và phát triển ổn định, tỷ lệ sống trên 95%, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Tiện ích
Ông Võ Văn Dự đánh giá, giống cây lâm nghiệp TTVMT thích ứng nhanh với điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu trên địa bàn tỉnh. Cây con sinh trưởng, phát triển ổn định nhờ sống trong môi trường giá thể tơi xốp, đủ dinh dưỡng nên cây sinh trưởng tốt, cân đối... Bầu giống rất nhẹ chỉ từ 60 -70 gam/cây, giảm khoảng 2/3 trọng lượng so với bầu đất truyền thống (3 bầu hữu cơ bằng 1 bầu đất) nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển, trồng rừng ở các đồi núi. Khi trồng không cần cắt bầu nên cây giống ít bị tổn thương, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống sau trồng rất cao, trên 95%. Cây rừng phát triển đồng đều nên giảm chi phí tra dặm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 cơ sở gieo ươm cây con, chủ yếu sản xuất cây con theo phương pháp truyền thống. Hầu hết các cơ sở gieo ươm đều có kiến thức cơ bản về kỹ thuật gieo tạo cây con nên quá trình chuyển từ gieo ươm cây con bằng túi bầu PE sang gieo ươm cây con TTVMT sẽ tương đối đơn giản, khả năng tiếp cận công nghệ mới một cách nhanh chóng.
Trang thiết bị đầu tư cho hoạt động gieo ươm cây con TTVMT như máy trộn hỗn hợp ruột bầu, máy cắt và đóng bầu... với các thao tác vận hành máy móc tương đối đơn giản, ít tốn công sức.
Hiện một số xưởng cơ khí trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất và cung cấp cho các cơ sở gieo ươm có nhu cầu tổ chức sản xuất, không cần thiết phải nhập từ các địa phương khác nên việc chuyển giao công nghệ rất thuận lợi, dễ áp dụng tại địa phương.
Đối với hộ gia đình gieo ươm quy mô nhỏ, không nhất thiết phải đầu tư máy móc, thiết bị mà vẫn sản xuất được cây TTVMT bằng cách mua lại túi bầu hữu cơ của doanh nghiệp đã đúc sẵn và cắt tỉa giống để gieo ươm.
Vỏ bầu bằng giấy tự hoại trước đây phải nhập từ Trung Quốc với giá thành rất cao, nhưng hiện nay có thể mua trong nước với giá thành thấp hơn nhiều. Nguyên liệu đóng bầu chủ yếu dăm gỗ, vỏ trấu, mùn cưa, vỏ đậu... là những phế phẩm hữu cơ tương đối phổ biến và sẵn có tại địa phương, dễ tìm kiếm và không phải nhập từ các địa phương khác.
Từ những thành công bước đầu, ngành kiểm lâm tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để đưa ra những khuyến cáo cần thiết và có những giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu nhân rộng mô hình công nghệ ươm giống TTVMT cho nhiều đối tượng, theo hướng xã hội hóa công tác gieo ươm và sử dụng giống lâm nghiệp TTVMT.
H Triều-A Tuấn