Rằm tháng giêng là Tết Nguyên tiêu, có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Nó ứng với ba ngày đầu năm mới là Tết Nguyên đán. Cả hai đều là thời khắc đầu tiên của năm và với quan niệm của người Việt ta thì “đầu xuôi đuôi lọt”. Người Việt xưa còn có câu “Lễ quanh năm không bằng rằm tháng giêng”.

Chưa có dịp thưởng thức Tết Nguyên tiêu ở Hà Nội, Sài Gòn hay ở một số nơi khác nhưng ở Huế tôi đã có những cảm giác thật đặc biệt về Tết Nguyên tiêu. Nó như cái tết muộn và là sự nối dài của Tết Nguyên đán. Xưa kia, vào ngày này, nhiều gia đình ở một số vùng quê vẫn tổ chức gói bánh tét và bánh chưng, là dịp cho những người con xa quê vì điều kiện công việc không về kịp vào dịp Tết Nguyên đán được ăn tết “bù”. Còn chỉ trong một ngày đêm, Tết Nguyên tiêu vẫn có cả phần lễ và hội. Ngày trước, “lễ” là mâm cúng rằm, là đi chùa lễ Phật, nay có thêm viếng mộ thi nhân. Con “hội” một thời là nam thanh nữ tú lũ lượt kéo nhau lên núi Ngự Bình chơi Tết Nguyên tiêu, ngắm cảnh, thưởng trăng và sinh hoạt giao lưu, rồi ngâm thơ, bình thơ. Nay vì để đảm bảo gìn giữ môi trường và cây xanh, núi Ngự Bình không còn điểm đến nhưng vẫn còn đó những “không gian thơ”.  

Huế có núi Ngự và sông Hương được xem là biểu tượng của vùng đất thi ca. Những đêm thơ Nguyên tiêu trên đỉnh Ngự Bình ngày trước hay các tụ điểm nằm dọc theo đôi bờ Hương Giang, từ lâu đã trở thành nỗi nhớ và sự khát khao đợi chờ của bao tâm hồn. Trong tâm thức của bao người, dưới ánh trăng bàng bạc lan tỏa trên dòng Hương Giang huyền ảo, những vần thơ được cất lên càng ngân vang và lắng đọng, khiến cho người nghe như quên đi bao nỗi lo toan đời thường và thấy lòng mình như thanh thản và nhẹ nhõm hơn.

Từ Huế, đêm thơ Nguyên tiêu gắn với ngày thơ Việt Nam đã có sự lan tỏa về các vùng quê ven Huế gắn với sự ra đời của các hội thơ, câu lạc bộ thơ Sông Bồ, Tam Giang, Hương Giang, Hương Thủy... Những chương trình thơ Nguyên tiêu cũng bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn. Ví như mới đây vào ngày 11 tháng giêng âm lịch, chương trình thơ “Đồng hành cùng di sản, lịch sử truyền thống” lần đầu tiên được tổ chức trên đỉnh Hải Vân quan lộng gió. Đó được xem là hoạt động hưởng ứng sớm nhất Ngày thơ Việt Nam, là tiếng lòng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất quan ải này, là niềm vui trước sự kiện Hải Vân quan được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nếu đêm thơ Nguyên tiêu tạo nên nét đẹp truyền thống thì hoạt động viếng mộ thi nhân đến nay đã là năm thứ 9 lại là một sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác nghệ thuật xứ Huế đương đại. Huế tự hào là nơi yên nghỉ của bao thế hệ thi nhân tài năng, từ những ông hoàng, bà chúa làm thơ như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Đạm Phương nữ sử; những chí sĩ cách mạng mong muốn “lấy bút làm đòn xoay chế độ”, như Phan Bội Châu, Hải Triều; những tên tuổi của một thời, như Thanh Tịnh, Phùng Quán đến Thái Ngọc San, Phương Xích lô… Có lẽ, Huế là nơi duy nhất trong cả nước có tập tục viếng mộ thi nhân mỗi dịp Tết Nguyên tiêu. Nó được xem là nét đẹp văn hóa, góp phần giữ gìn và khơi dậy truyền thống thi ca cho cả vùng đất.

Người Huế chào đón Tết Nguyên tiêu nhẹ nhàng và ý nhị bằng lễ cúng rằm, thú đi chơi tết, bằng những hội lễ hội thơ và rồi tiếp tục bổ sung bằng nghi lễ viếng mộ thi nhân. Đó là sự khác lạ, là nét riêng văn hóa của người Huế trong dịp Tết rằm tháng giêng. Và tôi nghĩ, đã đến lúc hãy biết cách khai thác tiềm năng văn hóa này, mời gọi khách xa cùng đến Huế trong tour du lịch một ngày đêm về thăm Cố đô để cùng cúng rằm tháng giêng, chơi tết, nghe đọc thơ và viếng mộ thi nhân, cảm nhận thêm vẻ đẹp của đất trời xứ thần kinh trong tiết trời ngày xuân.

ĐAN DUY