Ca sĩ Lan Anh trình bày ca khúc "Mùa xuân nho nhỏ"

Hòa trong không khí Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16, tối 14 tháng giêng (1/3), Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Nhà văn tỉnh tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018 với chủ đề “Mùa xuân và quê hương”. Chương trình trình diễn, biểu diễn các bài thơ, các ca khúc phổ thơ và những sáng tác mới của các nhà thơ Huế trong năm 2017, 2018 và những bài thơ vượt thời gian.

Nhà thơ Đông Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn tỉnh chia sẻ: “Trong tâm thức người Việt, sự khởi đầu của một năm mới luôn đưa lại những cảm thức thiêng liêng trân trọng. Rằm tháng giêng cũng chính là kỳ viên mãn đầu tiên của một năm nên luôn đưa lại cảm xúc tươi mới cho mọi người, nhất là với những người lao động nghệ thuật. Và cảm xúc đó cũng đã trở thành thơ, thành nhạc qua sáng tác của nhiều nhà văn nhà thơ qua nhiều thời đại. Đêm nay, nó càng là cảm xúc trào dâng của lòng yêu nước, yêu mùa xuân của quê hương Tổ quốc mình”.

Trong chương trình, mọi người cùng nghe lại những bài thơ xưa đã đi vào lòng dân tộc, như: bài “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Mùa xuân ở A Đời” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nghe lại những ca khúc bất hủ “Dòng sông ai đã đặt tên” của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, “Mùa xuân nho nhỏ” của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Thanh Hải và nhiều bài thơ mới của các nhà thơ Huế, trong đó có những bài thơ còn... ướt sương Nguyên tiêu.

Nhà thơ Đỗ Văn Khoái với bài "Mắc nợ tháng giêng"

Bài thơ “Tháng giêng về Huế” của nhà thơ Kim Đông mang đến cho người thưởng thức sự nhẹ nhàng, thanh thoát khi viết về tháng giêng: “Tháng Giêng em về Huế / Dạo chơi núi Ngự Bình / Nguyên tiêu mùa trăng tỏa / Giữa sao trời lung linh / Tháng Giêng em về Huế / Bâng khuâng ngắm Hoàng thành / Lá rơi nghiêng chiều tím / Lưu luyến lòng đan thanh...”. Nhà thơ Kim Đông tâm sự: “Với bài thơ này, tôi muốn gửi gắm, giới thiệu với mọi người về mảnh đất quê hương của mình. Đêm nay, giữa ánh trăng dịu vợi của một không gian nên thơ, được gửi những vần thơ nói lên tiếng lòng đến mọi người là niềm hạnh phúc với những người làm thơ chúng tôi”.   

Sau bao năm bôn ba xa xứ, nhà thơ Bảo Cường cũng tìm về với Huế để làm thơ cho thỏa nỗi nhớ. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp có thơ là có ông xuất hiện: “Sài Gòn cũng có ngày thơ nhưng với tôi, không nơi nào bằng quê hương. Được về Huế, lắng theo từng vần, từng câu thơ của bạn bè, những người tri âm, tri kỷ là niềm hạnh phúc vô biên với tôi”, nhà thơ Bảo Cường bộc bạch.

Đêm thơ không chỉ để tôn vinh thơ ca mà còn là dịp để các nhà thơ và công chúng yêu thơ ngồi lại bên nhau, giúp người sáng tác đến gần công chúng hơn và mang đến cho mọi người tình yêu với thi ca. Suốt đêm, dưới ánh trăng bàng bạc lan tỏa trên mặt nước sông Hương huyền ảo, những vần thơ qua sự thể hiện của các nhà thơ, nghệ sĩ như càng lung linh, lắng đọng khiến người nghe quên đi những lo toan đời thường, để thấy lòng thật thanh thản và nhẹ nhõm...

Bài, ảnh: Trang Hiền