Toàn tỉnh hiện có 83 làng nghề, làng nghề truyền thống, hoạt động ở 27 nhóm nghề và 69 nghề hoạt động riêng lẻ. Trong đó, có khoảng 40 làng nghề hoạt động khá tốt, cung cấp sản phẩm và giải quyết lao động ổn định. Số còn lại chỉ duy trì mang tính chất bảo tồn, sản xuất cầm chừng, như làng gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, tranh giấy làng Sình...

Trong số các làng nghề, nghề thủ công mỹ nghệ được đánh giá ít gây tác động xấu đến môi trường. Còn các làng nghề chế biến nông lâm thủy sản, mộc, cơ, kim khí ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trong đó, phải kể đến nhóm nghề làm bún, bánh vì nước thải ra môi trường với lượng lớn, có chứa chất hữu cơ lên men gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như làng nghề bún Vân Cù (Hương Trà), Ô Sa (Quảng Điền) tuy đã được nhà nước đầu tư hệ thống cống thu gom nước thải, nhưng chưa có bể chứa, lắng lọc và xử lý nên nước thải chỉ thu gom và thải vào tự nhiên. Sản xuất tinh bột rải rác tại một số hộ ở phường An Đông (TP. Huế), Xuân Lai (Lộc An, Phú Lộc) cũng là nhóm nghề phát sinh lượng nước thải có mùi hôi và các độc tố tác động đến môi trường. Nghề chế biến mắm, nước mắm hầu hết được sản xuất tại hộ gia đình ở các vùng ven biển cũng đang tạo mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống trong khu dân cư. Một số nghề khác như mộc, đúc đồng, chân cất tinh dầu... tuy ảnh hưởng chưa lớn đến môi trường nhưng cũng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Giải pháp mà các đơn vị chức năng đề xuất để khắc phục thực trạng về môi trường là cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, ưu đãi vay vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chế biến nông sản. Quy hoạch đưa ra xa khỏi khu dân cư, vào các khu tập trung các nghề gây ô nhiễm để thuận lợi cho việc tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ các giải pháp khắc phục ô nhiễm.

Việc ứng dụng cơ giới hoá một số khâu sản xuất, đổi mới công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường cũng là giải pháp tối ưu nhất để vừa hạn chế ô nhiễm, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe cho người lao động. Vì thực tế, qua khảo sát thực hiện xây dựng đề án chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2017 về trình độ công nghệ tại 5.552 tổ chức, cơ sở cho thấy, trên 92% cơ sở có trình độ thủ công hoàn toàn, số còn lại đã cơ giới hoá những công đoạn chính và chưa có chủ thể sản xuất nào đạt trình độ công nghệ tự động hoá. Đây có thể xem là trở ngại chính dẫn đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiêu tốn năng lượng sử dụng và ảnh hưởng môi trường.

Chẳng hạn đối với các cơ sở đúc đồng, cần nghiên cứu chuyển giao công nghệ nung chảy kim loại, công nghệ dùng khuôn đúc nhiều lần để hạn chế ô nhiễm môi trường. Cơ sở đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn ở làng nghề đúc đồng Phường Đúc (TP. Huế) đã tiên phong đầu tư công nghệ đúc bằng phương pháp mẫu chảy với nhiều thiết bị máy, khuôn hỗ trợ và sử dụng lò nung, lò nấu đồng hoàn toàn bằng điện.

Các làng nghề chế biến bún, bột lọc cần đầu tư hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, kết hợp dùng máy trộn, máy "nặn" ra sợi bún để giảm sức lao động và lượng nước sử dụng, nước thải ra.

Hoài Nguyên