Vào thời điểm tháng 5/2017, khi Trung ương Đảng quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng, khi bình luận và trả lời truyền thông nước ngoài, "các nhà dân chủ" tỏ thái độ nghi ngờ,  dựng nên nhiều chuyện tạo ra hiệu ứng hoài nghi. Luận điệu cho rằng: Kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị chỉ là hình thức mị dân, do sức ép của dư luận nên phải “thí con tốt”, dằn mặt nhóm lợi ích,  hạ bệ những người không phe cánh,  là theo chỉ đạo từ bên ngoài… Họ nói như đinh đóng cột nhưng cũng không rõ tư liệu từ cơ sở nào? Có nguồn lấy nhân chứng là “Nhà báo H Đ”, nhưng H Đ là ai thì làng báo Việt Nam không ai lạ lẫm gì… Họ nêu ra những nhận định mà như là người trong cuộc, dẫn chứng từ tài liệu “sự thật 100%”, chắc như đinh đóng cột.  Họ không cần biết rằng từ 1975 đến nay, trong Đảng đã không dưới 5 lần kỷ luật lãnh đạo cấp cao  (Ủy viên Bộ Chính trị). Ông Đinh La Thăng là người có tiếng và đứng trong hàng ngũ cao nhất thì có thể nói đó là thí tốt được không? Một thời gian rất ngắn, Trung ương đã kỷ luật một loạt cán bộ cấp cao và không dưới 3 vị nguyên là UVTW Đảng,  như vậy có phải là mị dân?

Sau khi xử vụ án “cố ý làm trái” họ lại tiếp tục tung ra những chiêu bài mới.  Luận điệu không có gì lạ nhưng thâm sâu là cổ súy cho cải cách xé rào,  chê bai tính bảo thủ của lãnh đạo hiện nay. Liên hệ so sánh ông Thăng trong mạnh bạo kinh doanh với xé rào khoán ruộng thời kỳ ông Kim Ngọc. Bên cạnh bênh vực, họ còn tạo nên “tình cảm” nhằm kích động dư luận tạo ra “hiệu ứng đám đông” để chống lại bản án, hay nói đúng hơn bênh vực cho “cải cách xã hội dân sự”, ủng hộ “tam quyền phân lập” triệt để theo kiểu phương Tây.

Khi vụ án đang xét xử, mặc dù biết rõ luật nhưng lại đưa ra đề nghị cho bị can tại ngoại sau khi đã được đề nghị mức án. Rồi cũng chính họ tự tạo “cơn bão mạng” khi kêu gọi cộng đồng lấy ý kiến thả tự do cho ông Đinh La Thăng. Một loạt bài viết ca ngợi một chiều được tung lên mạng trong một thời gian rất ngắn cũng không ngoài ý đồ đó. Thực ra thì họ chẳng thực lòng bênh vực cho ông Thăng, chẳng qua là mượn cớ để chống Đảng với mục tiêu như lâu nay đã làm.

Những “nhà dân chủ” này không ai khác chính là những người đã từng tham gia tích cực trong “Nhóm kiến nghị 72” , nhóm “kiến nghị 69” và một số người mang danh dân chủ hiện nay. Mỗi thời điểm họ lại đưa ra những giọng điệu khác nhau nhưng mục đích cũng chỉ là một. Giọng điệu của họ ví như “cái lưỡi không xương”.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH