Chúng ta vừa trải qua năm 2017 với nhiều diễn biến bất thường của thời tiết. Tần suất bão to, lũ lớn, nắng nóng và rét đậm kéo dài xuất hiện dày đặc, đã gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Nguyên nhân chính được cho là do biến đổi khí hậu, do lượng khí phát thải, chất thải quá mức từ các nhà máy sản xuất, nạn phá rừng và những bất cập trong quá trình xử lý các chất thải nói chung ra môi trường.

Khẩu hiệu cho chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam năm nay là “Hôm nay tôi sống xanh hơn”. Nghi thức tắt đèn sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 thứ Bảy ngày 24/3/2018. Cùng với đó, nhiều hoạt động trong chiến dịch sẽ được tổ chức trên cả nước như: kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng; cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình, giao lưu với các khối trường học, tổ chức các cuộc thi liên quan đến môi trường; thúc đẩy các hoạt động làm xanh hóa trong các gia đình thành thị, giảm thiểu sử dụng túi nilon; có hành động hưởng ứng xa hơn nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra…

Sự kiện đáng chú ý trong Chiến dịch Giờ Trái đất là nghi thức tắt đèn kéo dài một tiếng đồng hồ, vào một tối thứ bảy cuối tháng ba. Riêng năm qua, sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000 KWh, làm lợi tương đương hơn 764 triệu đồng. Ngoài ra, chiến dịch còn có các hoạt động tuyên truyền cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, với sự tham gia của nhiều ban ngành đoàn thể, học sinh, sinh viên và các tổ chức hoạt động vì môi trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn. Đó là tình trạng sản xuất không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nạn phá rừng, thói quen sinh hoạt gây hại đến môi trường vẫn xảy ra.

Thực tế, có một số nhà máy mặc dù được cơ quan chức năng thanh kiểm tra, đánh giá các chỉ số về môi trường đều đảm bảo nhưng người dân ở gần nhà máy vẫn khổ sở vì mùi hôi, khói bụi. Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong đánh giá tác hại về môi trường tại các nhà máy… Nổi cộm hiện nay là tình trạng sử dụng túi nilon tràn lan trong sinh hoạt của người dân. Đây là vật liệu khó phân hủy, có thể tồn tại trong môi trường cả trăm năm. Mặc dù đã được các nhà khoa học khuyến cáo, hội phụ nữ các cấp và ngành chức năng vào cuộc, tuyên truyền nhưng tình trạng sử dụng túi nilon vẫn chưa chuyển biến nhiều. Điều này đòi hỏi ngoài việc tuyên truyền thay đổi thói quen của người dân trong mua sắm, sinh hoạt cần thiết phải có loại túi thân thiện với môi trường khác để thay thế với giá cả hợp lý; đồng thời, hạn chế việc sản xuất túi nilon, từng bước chuyển đổi các nhà máy sản xuất túi nilon sang sản xuất túi thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh biện pháp chế tài, xử lý nghiêm các hành vị gây hại đến môi trường như phá rừng, sản xuất kinh doanh không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, xả rác ra môi trường… nhằm góp phần cho môi trường sống ngày một xanh hơn như thông điệp Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 đã đưa ra.

Đặng Thành