Thay đổi “chiến thuật”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hai tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo đã đạt 889.000 tấn và 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm với 26,9% thị phần, tiếp đó là thị trường Trung Quốc với 23,5% thị phần.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
“Trong những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo rất tốt. Giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, thì năm 2017 là 450 USD/tấn. Giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt mức 475 USD/tấn”, ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết.
Lý giải về việc gạo Việt Nam được giá hơn Thái Lan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, yếu tố căn bản giúp gạo Việt tăng giá là cơ cấu xuất khẩu thay đổi, chất lượng gạo tăng lên. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường IR 50404. Hiện nay, gạo xuất khẩu phần lớn là loại gạo ngon.
Năm 2017, có tới 81% gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo nếp, tám thơm, gạo jasmine... “Có thể nói, định hướng nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, nhằm nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam đã bước đầu có hiệu quả. Trong 3 - 4 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nói .
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, trong những năm gần đây, chất lượng gạo Việt Nam có nhiều cải tiến thì chất lượng gạo của các nước xuất khẩu khác lại không cải tiến nhiều. Điều này cũng giúp gạo xuất khẩu tăng sức cạnh tranh. Trong việc đấu giá gạo hiện nay, doanh nghiệp (DN) các nước cùng tham gia đấu giá công khai với DN Việt Nam.
Mừng nhưng vẫn lo
Mặc dù, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt Thái Lan, tuy nhiên, những kết quả đạt được cũng khiến ngành Lúa gạo Việt Nam vừa mừng vừa lo.Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) lý giải, ngay tại một số tổng công ty lớn, khâu chế biến sản phẩm gạo cũng còn thấp so với thế giới.
“Tháng 5/2017, tôi đã tham gia hội chợ tại Thái Lan, điểm dễ nhận thấy là gạo Việt còn kém xa gạo Thái Lan về mức độ đa dạng hóa sản phẩm. Chất lượng, mẫu mã cũng còn nhiều vấn đề phải bàn”, ông Toản nói.
Cơ cấu giống lúa của Việt Nam đang dần thay đổi sang hướng chất lượng cao. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, với cách tiếp cận vấn đề từ nhiều phía như chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức thị trường… cùng với sự vào cuộc của các DN ngành nông nghiệp, nhất là những tập đoàn lớn, hy vọng các khó khăn nội tại của ngành lúa gạo sẽ được giải quyết.
Ông Toản cho biết thêm, hiện nay, vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đang được nỗ lực hoàn thành. Logo thương hiệu gạo quốc gia đã được phê duyệt và tới đây sẽ có cơ chế quản lý.
Liên quan tới xuất khẩu gạo trong năm 2018, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, năm 2018, mục tiêu hướng tới là xuất khẩu đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng xuất khẩu, nhưng không quá 20%. Dù giá loại gạo này khá tốt nhưng không phải vì cái lợi trước mắt mà đẩy tăng gieo trồng trở lại.
“Về lâu dài, xuất khẩu gạo cần tiếp tục kiên trì theo con đường nâng cao chất lượng. Sau khi đảm bảo chất lượng, phải làm tốt hơn vấn đề thương hiệu, như vậy lâu dài sẽ giữ được giá cao”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống và duy trì đà tăng trưởng ổn định trong 3 - 4 năm trở lại đây. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, tương đương 2,1 tỷ USD. Năm 2017, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo lần lượt là 5,8 triệu tấn và 2,6 tỷ USD. Với đà xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay, có thể khẳng định, ngành Lúa gạo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, không bị thách thức.
Theo Báo Tin tức