Không biết có bao nhiêu người trong số những người đi cầu nguyện, xin ấn ở đền được toại nguyện mong ước. Nhưng cảnh tượng xin ấn thì có thể nói là hãi hùng: chen lấn, xô đẩy, giành giật... nói chung những gì thuộc về sự lộn xộn là thứ đập vào mắt trước nhất đối với mọi người. Còn độ linh thiêng và ước nguyện, toại nguyện, nếu có thì có lẽ cũng chỉ từng người biết.

Nhưng có không ít người, trong số rừng người đi cầu nguyện ấy, sự toại nguyện chưa thấy đâu nhưng sự “xui xẻo” thì đã rõ. Báo chí mấy ngày nay đưa tin, có nhiều người đi đền cầu nguyện về là bị kỷ luật, trong đó có người mất chức giám đốc.

Nếu có một sự ban phát niềm tin, tài lộc, hạnh phúc... hoặc gì gì đó nữa từ một đấng “vô minh” nào đó, thì những trường hợp nói trên có thể gọi là bị “đấng cao siêu” chứng giám ngược. Chẳng có ai đi cầu nguyện để nhận được cái bị kỷ luật, cái mất chức bao giờ !?

Ngồi viết bài này, tôi chợt nghĩ đến một điều. Có ai trong “biển người” đi cầu nguyện, xin ấn ở đền kia cầu nguyện cho cái chung không nhỉ? Ví dụ như cho cả xã mình năm nay trồng trọt bội thu, chăn nuôi con gì cũng bán được giá. Ví như GDP của tỉnh tăng hơn một vài phần trăm so với năm ngoái, kinh tế phát triển, đời sống người dân no ấm. Có ai cầu năm nay rừng không bị phá, cát không bị hút trộm... để môi trường sống của con người được tốt hơn…

Tôi không dám khẳng định những câu hỏi vừa nêu, về cầu cho lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng, của xã hội... có một ai đó cầu nguyện không. Chỉ một phần ba thôi trong biển người kia, bên cạnh cầu nguyện cho lợi ích riêng có vài điều cầu nguyện cho cái chung thì hay biết chừng nào?

Đi cầu nguyện ở chốn linh thiêng đầu năm là một nhu cầu của đời sống tinh thần. Đã là đời sống tinh thần thì nhất thiết phải hướng về cái đẹp. Nếu những ứng xử không đẹp giữa người với người trong lúc đi cầu nguyện, ví dụ như tranh giành ấn, thì đời sống tinh thần, là một nhu cầu có thật của rất nhiều người sẽ mất đi ý nghĩa. Nếu không muốn nói là những hình ảnh ấy nó làm xấu thêm đời sống tinh thần, vốn rất phong phú của người Việt Nam ta. Đã không đẹp thì phải sửa cho nó trở nên đẹp  hơn chứ không thể để những hình ảnh không đẹp của việc đi xin ấn mỗi năm cứ lặp lại. Mà trong bối cảnh kỹ thuật số có mặt ở mọi lúc mọi nơi như hiện nay, những hình ảnh không đẹp về đời sống tâm linh của một bộ phận không nhỏ của người dân Việt Nam sẽ đến với thế giới. Họ sẽ nghĩ như thế nào về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam? Rất có thể là không thiện cảm!

Đi cầu mong những điều tốt đẹp là một việc. Nhưng việc quan trọng phải là chăm chú làm ăn, sống tốt với mọi người. Làm phải sáng tạo, phải khoa học, phải đặt trong thế cạnh tranh, trong xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Sống tốt là sống chân tình, trọng cái tốt đẹp, cái đúng, cái chính nghĩa, đàng hoàng... Xuất phát điểm là từ tâm nguyện đi cầu mong điều tốt đẹp, nhưng đã bộc lộ khá rõ, khá đầy đủ cái sự ích kỷ, hẹp hòi vì bản thân mình. Chẳng qua đó là sự tranh giành những cái gì có lợi về mình, không hơn không kém. Và như thế, xã hội, cộng đồng khó mà phát triển một cách tốt đẹp.

Môi trường sống chung quanh ta bao giờ cũng là một trong những điều quan trọng để tạo ra một đời sống của con người tốt đẹp hơn, thoải mái hơn, hạnh phúc hơn. Ví dụ như chúng ta sống trong một môi trường an ninh tốt thì không phải xây những tường rào bao che nhà bịt bùng ngột ngạt mà dành không gian đó để trồng những khóm hoa. Cuộc sống của chúng ta cởi mở, tin cậy lẫn nhau, không phải lo sợ điều gì. Rõ ràng không có một môi trường sống tốt thì khó có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cầu nguyện cũng là một cách ứng xử. Ứng xử không ích kỷ thì trong cuộc sống thực sẽ có những hành động nhân văn hơn rất nhiều.

LÊ PHƯƠNG