Khách Hàn Quốc tăng mạnh hai năm qua, nhưng thiếu sản phẩm cung ứng

Sau Hàn Quốc là thị trường nào?

Qua nhiều năm, Huế luôn có sự bứt phá của một thị trường khách. Cụ thể, từ 2010 đến 2015 là sự vượt lên của thị trường Thái Lan, chiếm khoảng 15% trong tổng lượng khách quốc tế đến Huế. Qua năm 2016, khách Thái đến ít dần thì có sự “soán ngôi” của khách Hàn Quốc trong hai năm gần nhất, chiếm trên 20% thị phần. Với những dòng khách “bị” cho là phát triển nóng thì chu kỳ phát triển khoảng 5 năm. Vậy, thị trường nào sẽ bứt phá sau khi khách Hàn xuống thấp trào?

Câu hỏi này ngay cả những người trong cuộc cũng chỉ có câu trả lời chung chung “có thể” là thị trường A, B, C nào đó… Với Huế, có một số thị trường khách đến rồi đi một cách “ngẫu nhiên”, chẳng có một kế hoạch hay động thái kích cầu nào. Có chăng, cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, chứ đừng nói là nghiên cứu nhu cầu khách để xây dựng những sản phẩm phù hợp mang tính đón đầu. Chẳng hạn như Huế đón khách Hàn Quốc trong tư thế bị động mà chúng tôi từng phản ánh.

Quan điểm phát triển của du lịch Huế mà lãnh đạo ngành nhấn mạnh phần nào lý giải cho sự “bị động” này. Đó là đối với những thị trường phát triển “nóng”, đi theo “biểu đồ hình sin” từ thấp lên cao rồi lại xuống thấp đột ngột trong vòng 3-5 năm thì Huế không tập trung nguồn lực để đầu tư nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, mà sẽ tập trung vào những thị trường luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, đó là các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Đây là những thị trường ổn định, khi xây dựng một sản phẩm có thể sử dụng trong thời gian dài, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả lại cao.

Nhìn thực tế ở Huế, có bao nhiêu sản phẩm để “phục vụ” dòng khách truyền thống này? Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch nhìn nhận, lâu nay Huế khẳng định nhu cầu của khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á là tham quan, khám phá văn hóa, gần đây thêm nhu cầu nghỉ dưỡng, nhưng chủ yếu là dựa trên lý thuyết, chưa có một nghiên cứu mang tính định lượng và định tính dựa trên nhu cầu của khách khi đến Huế. Điều bất hợp lý là, “động thái’ căn bản cho sự phát triển lâu dài với dòng khách truyền thống, Huế vẫn chưa triển khai.

"Nóng" hay không "nóng" là do chính bản thân của điểm đến. Nếu điểm đến có một quy hoạch tốt, có lộ trình, hay nói cách khác nếu Huế phác họa tốt kịch bản dựa trên nhu cầu, sự chuyển dịch của khách để đón đầu thì Huế hoàn toàn chủ động trong việc đón khách, dù thị trường khó tính nào đi chăng nữa. Khi đã xác định được tiềm năng sẽ dễ dàng có chiến lược xây dựng sản phẩm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ở một khía cạnh khác, nếu ta chuẩn bị tốt, có nhiều sản phẩm thì không trừ khả năng từ một thị trường phát triển nóng sẽ trở thành thị trường duy trì tăng trưởng ổn định.

Huế đang khá “dè chừng” thị trường khách Trung Quốc vì cho rằng, dòng khách này đến sẽ “triệt tiêu’ các thị trường khách khác. Sở Du lịch đánh giá, lý do xuất phát từ hành vi du lịch, chứ không phải lý do nào khác. Đúng là, với cơ chế vận hành và con người như hiện tại, Huế khó kiểm soát nên buộc phải tiết chế. Đó là hiện tại, nhưng thử nhìn xa hơn khoảng10-20 năm nữa, liệu khách Trung Quốc có phải là thị trường chủ lực của Huế hay không, để ngay từ bây giờ có kế hoạch đón đầu.

Cần có chiến lược cụ thể khi lượng khách đến Huế vượt ngưỡng

Hoạch định cho tương lai

Theo ông Lê Ngọc Sanh, khó khăn lớn nhất chính là kinh phí cho một cuộc nghiên cứu nghiêm túc. Để nghiên cứu phải có đề án, thuê đơn vị chuyên nghiệp nghiên cứu, còn với nhân lực của sở thì chỉ là, nhiệm vụ quản lý. Với nguồn ngân sách khá hạn chế, ngành phải “buộc bụng”, giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt. Việc thiếu nguồn lực nên thiếu luôn việc kích cầu ở các thị trường truyền thống, chẳng hạn như thị trường Pháp ít khi đưa hình ảnh sang quảng bá. Do đó, để duy trì phát triển du lịch Huế với lượng khách đã đạt đến 4 triệu lượt, nguồn kinh phí phải tương ứng.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sự quan tâm và đầu tư nguồn lực cho ngành chưa thực sự tương xứng. Một khía cạnh khác cần được nhìn nhận là với du lịch, nguồn thu chủ yếu sẽ vào trong người dân, nên nguồn thu thuế từ du lịch không được nhiều. Có ý kiến cho rằng, với nguồn ngân sách của tỉnh hiện có, nếu đầu tư nhiều nơi rất khó để có những công trình mang tầm chiến lược vài chục năm và càng khó để có công trình “thế kỷ”. Ngành du lịch cho rằng, tỉnh cần dồn lực, chẳng hạn như con đường về Thuận An. Biết nguồn vốn sẽ lớn, nhưng dồn lực một lần thì từ còn đường này sẽ nuôi lại bằng các dịch vụ du lịch.

Hoạch định sự phát triển du lịch Huế dựa trên nhu cầu của khách không thể chậm trễ. Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Huế cho rằng, du lịch phát triển qua thời gian, một số hãng lữ hành đóng “khung” với trong hình ảnh cũ. Sở Du lịch đang lên kế hoạch nghiên cứu, đánh giá lại nhu cầu của khách, phân khúc từng hạng khách để xây dựng các sản phẩm tương xứng. Thời gian đến ngành sẽ phối hợp với các hãng lữ hành, công ty du lịch trực tuyến để nghiên cứu và sớm có kết quả trước năm 2019 để định hướng hình thành các sản phẩm.

Bàn về chương trình “Mỗi năm một sản phẩm du lịch” mà ngành du lịch Huế đưa ra từ đầu năm 2018. Ngành du lịch cho hay, sẽ khuyến khích, phát động các doanh nghiệp tham gia xây dựng sản phẩm du lịch mới hàng năm trên cơ sở bình bầu, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh. Đây là chương trình cần thiết khi Huế đang thiếu sản phẩm. Điều cần lưu ý là phải xác định rõ, mỗi sản phẩm được xây dựng ra nhằm phục vụ ai, thị trường khách nào? Không nên xây dựng nhiều mà không định hướng, sẽ thiếu đặc trưng và nguy cơ mất dần bản sắc.

Một khái niệm trong du lịch, nếu Huế đón khoảng 5,5 - 6 triệu khách/năm sẽ “full” (hết công suất). Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, chỉ khoảng 2-3 năm nữa Huế sẽ đạt mốc này. Liệu Huế đã sẵn sàng cho  việc  nâng cao chất lượng, lọc dần khách bằng các dịch vụ có mức chi tiêu lớn. Ngay từ bây giờ, cần kế hoạch để mở rộng ra các địa lân cận TP. Huế, nếu không thành phố sẽ quá tải chỉ trong nay mai.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG