Nữ công nhân làm việc tại Nhà máy Sợi, Công ty cổ phần Dệt may Huế

Công ty cổ phần Long Thọ. Giữa chiều. Mặc cái nóng oi bức, các nữ công nhân vẫn làm việc hối hả không hề thua kém các nam đồng nghiệp. Thấy một phụ nữ trung niên đang bốc dỡ gạch thoăn thoắt, hỏi chuyện được biết chị là Nguyễn Thị T. (47 tuổi), có gần 30 năm làm việc tại đây.

Chị T kể đã gắn bó với nơi này từ khi còn trẻ, sau đó lập gia đình với người cùng công ty, đến nay đã có 2 người con. Đồng lương công nhân không cao, cuộc sống của anh chị chỉ tạm được xem là vừa đủ, không mấy dư dả, ngay cả khoản tiền đóng học cho con lúc trước cũng phải chạy vạy mượn người quen. Công việc chính của chị là bốc dỡ hàng hóa, khá nặng nhọc, mỗi ngày làm việc khoảng 8 giờ đồng hồ. “Lúc mới làm cũng vất vả lắm, nhưng lâu rồi thành quen nên đỡ hơn nhiều. Mấy năm trở lại đây, tuổi ngày càng lớn nên sức khỏe có phần giảm sút, đôi khi trở về nhà người tôi mệt rã rời, đau nhức toàn thân”, chị T. cười xòa.

Chị vẫn nhớ lúc đứa đầu còn nhỏ, bỏ con đi làm thì không đành nhưng với đồng lương công nhân của anh lại không đủ chi phí sinh hoạt. Tuy thương con nhưng chị cũng đành cắn răng để con lại nhờ người thân chăm sóc giúp rồi lại tiếp tục với công việc. Mỗi khi xong ca, chị chỉ mong về thật sớm để được ôm đứa con bé bỏng vào lòng. “Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng nghĩ đến hai đứa con và được chồng động viên nên tôi có thêm nghị lực để tiếp tục tiến về phía trước. Bây giờ các con tôi cũng đã lớn, đồng lương công nhân cũng ngày một tăng nên cuộc sống đã ổn định và khấm khá hơn"- chị T cho biết.

Cùng hoàn cảnh với chị T., nữ công nhân Võ Thị Th. (50 tuổi) trú tại TP. Huế gắn bó gần 30 năm với Nhà máy Sợi, Công ty cổ phần Dệt may Huế giãi bày: "Công việc ở nhà máy tuy không nặng nhọc, nhưng lại làm việc theo ca nên khó có thể sắp xếp thời gian chăm sóc cho gia đình".

Khá nặng nhọc, nhưng những nữ công nhân tại Công ty cổ phần Long Thọ vẫn làm tốt công việc của mình

Chồng của chị là chiến sĩ công an, trước đây công tác tại huyện Phong Điền nên việc chăm sóc hai đứa con đặt nặng lên đôi vai của chị. Làm ca 3 đồng nghĩa với có những đêm thức trắng, bỏ lại hai đứa con ở nhà. Những lần làm ca 3, lòng chị như lửa đốt, chỉ nhìn ra ngoài trời mong nhanh sáng để được về với con. Khi con đau ốm dài ngày, chồng lại ở xa, công việc không thể bỏ ngang khiến chị tưởng chừng kiệt sức. Vừa xong ca làm việc chị liền tất bật đến bệnh viện lo cơm nước, thuốc men cho con rồi lại tiếp tục “thay ca” cho bà ngoại vào nghỉ ngơi. “Hồi đó mẹ tôi còn khỏe nên đỡ đần cho khá nhiều, nếu không có bà ngoại chăm giúp cháu, có lẽ tôi cũng không biết xoay xở ra làm sao”, chị Th. nhớ lại. Hai đứa con của chị đều ngoan và chăm học, đứa lớn thay mẹ chăm sóc em trong việc cơm nước và học hành. Nhờ vậy, chị có nhiều thời gian hơn để chuyên tâm cho công việc. Nhiều năm qua chị luôn đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và đạt thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. “Đứa con trai đầu của tôi được học bổng du học và đang định cư tại Pháp, cô con gái hiện đang học tại Trường THPT chuyên Quốc Học. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thương cha mẹ nên đứa nào cũng chăm học”, chị Th. hồ hởi.

Ông Hồ Nam Phong, Phó phòng nhân sự Công ty cổ phần Dệt may Huế cho biết: Hiện toàn bộ công ty có khoảng 4.600 lao động, trong đó số lao động nữ chiếm phần lớn, với hơn 3.300 người.  Lao động nữ luôn là lực lượng đóng góp tích cực trong quá trình sản xuất. Ở những lĩnh vực cần sự chi tiết, tỉ mỉ, lao động nữ chiếm ưu thế hơn hẳn nam giới. Trong dịp 8/3 hàng năm, công ty đều tổ chức các hoạt động chào mừng như tọa đàm, giao lưu văn nghệ... nhằm tôn vinh những đóng góp của chị em phụ nữ đối với công ty.

Khá nặng nhọc, nhưng những nữ công nhân tại Công ty cổ phần Long Thọ vẫn làm tốt công việc của mình

Ông Trần Hữu Cáo, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, việc chăm lo cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng luôn được chú trọng tại các khu công nghiệp với các hoạt động như: tổ chức các buổi tìm hiểu pháp luật để giúp lao động nắm được các chính sách, pháp luật liên quan, trong đó chú ý các quyền lợi của lao động nữ; tổ chức khám sức khỏe, hoạt động thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, giúp chị em có sân chơi bổ ích.

Trong dịp 8/3 hằng năm, các doanh nghiệp đều có các hoạt động chào mừng như tọa đàm, giao lưu văn nghệ, tổ chức thi nấu ăn, tham quan du lịch...

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN