Pháo đài Forte da Graça tại Elvas, Bồ Đào Nha. Ảnh: Arronchesemnoticias
Để cố gắng thay đổi điều này, tập đoàn khách sạn lớn thứ hai của Bồ Đào Nha, Vila Gale, đang đầu tư khoảng 5 triệu euro (6 triệu đô la) để biến một tu viện cũ từ thế kỷ 17 thành một khách sạn bốn sao sang trọng với 80 phòng, dự kiến sẽ khai trương vào năm tới. Jorge Rebelo de Almeida, chủ tịch của Vila Gale tin rằng với một khách sạn chất lượng, khách du lịch sẽ ở lại Elvas.
Du lịch đã trở thành động lực chính cho nền kinh tế Bồ Đào Nha từ năm 2014 khi nước này thoát khỏi gói cứu trợ quốc tế trị giá 78 tỷ euro kéo dài ba năm gây nhiều khắc nghiệt đối với công dân của mình.
Giờ đây, để thu hút khách du lịch tới các địa điểm chưa được du khách chú ý, và giúp đảm bảo lưu lượng khách du lịch liên tục trong năm, chính phủ Bồ Đào Nha đang cho các nhóm tư nhân thuê lại 33 tu viện, các pháo đài và các di tích lịch sử bị bỏ hoang khác trong 50 năm để cải tạo thành khách sạn và các trung tâm giải trí khác. Trong số đó có một pháo đài ở tây bắc thị trấn Caminha, nơi có một trong ba giếng nước cổ kỳ bí nổi tiếng trên thế giới.
Một khách sạn sang trọng được cải tạo từ một tu viện cổ. Ảnh: DW
Du lịch đóng góp khoảng 12,5% cho nền kinh tế của Bồ Đào Nha và tỷ lệ này tăng lên đều đặn kể từ năm 2011. Năm 2016, Bồ Đào Nha đã đón 18,2 triệu du khách nước ngoài, mức kỷ lục, và trong khi số liệu chính thức của năm ngoái vẫn chưa được công bố, các quan chức chính phủ và ngành du lịch tin rằng con số này thậm chí còn cao hơn.
Quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng số lượng du khách một phần bởi các lo ngại về an ninh tại các điểm đến nghỉ mát nổi tiếng khác như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Các khách sạn Bồ Đào Nha đã đón 20,6 triệu khách vào năm 2017, tăng 8,9% so với năm trước, giúp ngành du lịch tạo ra 53.000 việc làm mới. Theo ông Godinho, kết quả này cho thấy "ngành du lịch vẫn có thể phát triển mạnh mẽ ở Bồ Đào Nha".
Thế Vĩnh (Lược dịch từ DW)