Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (bên trái) bắt tay với Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại Đà Nẵng. Ảnh: France24
Hiệp định lịch sử
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp cắt giảm thuế quan ở các quốc gia, tổng cộng chiếm hơn 13% nền kinh tế toàn cầu, tương đương 10 nghìn tỷ USD.
Ngay cả khi không có Mỹ, thỏa thuận sẽ được trải rộng trên một thị trường gần 500 triệu người, làm cho hiệp định này trở thành 1 trong 3 hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, theo số liệu thống kê thương mại của Chile và Canada.
Thỏa thuận thương mại với 12 thành viên ban đầu được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 quốc gia thành viên còn lại do Nhật Bản và Canada dẫn đầu đã hoàn thành một hiệp định thương mại được sửa đổi hồi tháng 1 vừa qua.
Theo đó, hiệp định sửa đổi sẽ được ký kết vào lúc 15h ngày 8/3 (giờ địa phương), tức 1h ngày 9/3 (giờ Việt Nam). Hiệp định mới sẽ loại bỏ một số yêu cầu của TPP gốc từ các nhà đàm phán Mỹ.
Bản cuối cùng của hiệp định đã được công bố tại New Zealand vào ngày 21/2.
11 quốc gia thành viên của CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm tổn thương sự phát triển
Trong một động thái liên quan ngay trước thềm buổi ký kết, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono ngày 8/3 cho biết, chủ nghĩa bảo hộ không phải là giải pháp cho sự tăng trưởng bao trùm.
"Chúng tôi hy vọng, TPP-11 sẽ là một nền tảng quan trọng cho những nỗ lực chung của chúng tôi để mở rộng một trật tự kinh tế tự do, công bằng và dựa vào luật lệ trên thế giới", ông Taro nói thêm.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản cũng khẳng định: "Những biện pháp bảo hộ làm cho các nhà sản xuất không thể tiếp cận các đầu vào có chất lượng tốt nhất và rẻ nhất. Kết quả là, các nhà sản xuất mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong các nhãn hiệu toàn cầu, làm cho họ ít có khả năng duy trì việc làm trong nước".
ASEAN được hưởng nhiều lợi ích từ việc hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, những nỗ lực ủng hộ tự do thương mại là "những bước đi vững chắc để tăng cường khả năng kết nối trong khu vực", ông Taro lưu ý.
Nhằm tăng cường khả năng kết nối, ông Kono cũng vận động ASEAN áp dụng cơ sở hạ tầng chất lượng, tuân thủ các nguyên tắc như hiệu quả kinh tế, sự đóng góp vào việc làm và chuyển giao công nghệ địa phương, cũng như sự minh bạch và cởi mở. Điều này sẽ giúp giảm bớt khoảng cách cung-cầu khổng lồ trong phát triển cơ sở hạ tầng của ASEAN.
Được biết, 4 quốc gia ASEAN trong TPP-11 là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Lê Thảo (Tổng hợp và lược dịch từ Reuters, AFP & Straitstimes)