Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời từ năm 2014 là “luồng gió mới” tạo bước đột phá cho hoạt động đánh bắt xa bờ (ĐBXB). Từ hơn 200 chiếc tàu ĐBXB toàn tỉnh cách đây 4 năm đến nay tăng hơn gấp đôi (410 chiếc), trong đó 40 chiếc đóng mới theo nguồn vốn vay ưu đãi từ NĐ67.
Đến cuối năm 2017, chính sách đóng mới tàu theo NĐ67 của Chính phủ đã chính thức “khép lại”, trong khi đó nhu cầu đóng mới tàu ĐBXB của ngư dân nhằm phát huy hiệu quả thế mạnh, tiềm năng kinh tế biển vẫn còn rất lớn. Trước yêu cầu đó, Chính phủ vừa ban hành NĐ17 ngày 2/2/2018 về việc sửa đổi, bổ sung NĐ67.
Ngư dân Phú Vang đóng tàu xa bờ
Ngoài khả năng của ngư dân
Ông La Khuynh ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) nan giải, nhu cầu đóng mới tàu ĐBXB của ngư dân vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, theo quy định chính sách mới thì ngư dân được hỗ trợ một lần 35% giá trị chiếc tàu sau khi hoàn thành thì ngư dân thật sự không có khả năng về vốn đầu tư ban đầu. Đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ công suất 800 CV hiện nay có giá trên 10 tỷ đồng, vỏ thép trên 20 tỷ đồng; trong khi đó với tàu vỏ thép chỉ được hỗ trợ tối đa 6,7 tỷ đồng, số kinh phí còn lại hoàn toàn nằm ngoài khả năng của ngư dân.
Ông Khuynh nói: "Mấy chục năm làm chủ tàu may ra tích lũy cũng chỉ 1 tỷ đồng, xây được nhà kiên cố, nuôi con ăn học. Chừng tài sản đó không thể thế chấp ngân hàng để vay số vốn lớn đóng tàu xa bờ. Một khó khăn, trở ngại nữa đối với ngư dân khi tiếp cận chính sách mới theo NĐ17, tàu đóng mới phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng, ngư lưới cụ hoàn toàn mới... trong khi nguồn lực của ngư dân rất hạn chế.
Ông Phạm Vũ Đoàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu An Thuận thông tin, kế hoạch đóng mới tàu xa bờ trong năm 2018 của tỉnh theo NĐ67 và NĐ17 sửa đổi, bổ sung là 6 chiếc. Nhưng với chính sách mới, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được. Thay vì được vay vốn từ 70-90% tổng giá trị tài sản, lãi suất ưu đãi theo NĐ67 thì nay chỉ được hỗ trợ một lần 35% và tối đa 6,7 tỷ đồng đối với tàu vỏ thép. Quy định được hỗ trợ sau khi chiếc tàu đóng mới hoàn thành, đồng thời yêu cầu máy mới chính hãng, ngư lưới cụ hoàn toàn mới là khó khăn lớn đối với ngư dân khi nguồn vốn ban đầu để đóng tàu không biết xoay xở đâu ra. Nếu khó khăn này không được tháo gỡ thì chỉ tiêu đóng mới 6 chiếc tàu trong năm 2018 sẽ rất khó hoàn thành.
Một tàu cá Phú Thuận (Phú Vang) trúng đậm sau tết
Cần chính sách tạo điều kiện hơn
Ông Nguyễn Minh Đức, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT cho rằng, NĐ67 kết thúc thì sự ra đời của NĐ17 là động lực thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên về chính sách hỗ trợ 35% giá trị chiếc tàu xa bờ sau khi đóng mới hoàn thành khiến người dân gặp khó trong việc tìm nguồn vốn đầu tư. Hầu như không có ngư dân nào đủ điều kiện về vốn ban đầu để đầu tư đóng mới chiếc tàu trị giá hàng chục tỷ đồng... Nhà nước cần có chính sách, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ngân hàng với hạn mức, lãi suất ưu đãi tương tự như NĐ67, kết hợp với chính sách hỗ trợ một lần sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trên. Cùng với chính sách hỗ trợ nguồn vốn, Nhà nước cần có cơ chế cho người dân tự chủ trong việc lựa chọn, mua nguyên vật liệu, mua các loại máy (máy chính), ngư lưới cụ... nhằm giảm chi phí đầu tư.
Mức hỗ trợ không quá 8 tỷ đồng/tàu Mức hỗ trợ được quy định tại Nghị định 17 (có hiệu lực từ ngày 25/3/2018), đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu. Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu. |
Hải Triều - Hương Lan