Dâng hương lên danh nhân Đặng Huy Trứ - ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam

Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam”; tặng bằng khen cho các chi hội và các cá nhân tiêu biểu. Tại khuôn viên nhà thờ họ Đặng cũng diễn ra cuộc triển lãm giới thiệu 100 tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc, mới nhất của 5 chi hội nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Trị và Quảng Bình.

Ngày 15/3/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Riêng nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, nhờ sự khai nghề của danh nhân Đặng Huy Trứ, nghề nhiếp ảnh đã từng bước phát triển và khẳng định vị thế.

Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước truy phong danh nhân Đặng Huy Trứ là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam, bởi vào ngày 15/3/1869, một sự kiện gây xôn xao không chỉ ở Bắc Kỳ mà cả ba miền, đó là tại phố Thanh Hà (Hà Nội) khai trương hiệu ảnh đầu tiên mang tên “Cảm Hiếu Đường” do ông Đặng Huy Trứ - một người Việt Nam làm chủ. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, những nghệ sĩ nhiếp ảnh của Huế và các tỉnh, thành lại cùng nhau tụ về từ đường họ Đặng - quê hương của danh nhân Đặng Huy Trứ để thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ về ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam.

Triển lãm ảnh tại lễ kỷ niệm

Đến nay, đội ngũ nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế đã phát triển và lớn mạnh cả về tổ chức và sáng tạo nghệ thuật, với 25 hội viên Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, 65 hội viên Hội Nhiếp ảnh tỉnh và 4 CLB: CLB Nhiếp ảnh TP. Huế, CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Vân, CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi Đặng Huy Trứ, CLB Nhiếp ảnh trẻ Cố đô Huế. Trong đó, có nhiều hội viên gặt hái nhiều thành quả xuất sắc, ghi tên xứ sở Thừa Thiên Huế lên bảng vàng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Tin, ảnh: Trang Hiền