Nghề làm hương trầm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Phụ nữ không làm ruộng

Không nhộn nhịp, đủ sắc màu như làng nghề trầm hương Thủy Xuân, hương trầm tại Thanh Phước lẩn khuất sau những lũy tre làng, nếu không có mùi thơm đặc trưng sẽ thật khó nhận ra.

Bà Phạm Thị Hồng Diệu, người gắn bó với trầm hương hơn 20 năm kể, những năm trước, người làm nghề này tại Thanh Phước chủ yếu gia công, sản xuất trầm hương tự nhiên của Việt Nam. Khi cây gió trầm được trồng phổ biến thì nghề gia công trầm có bước phát triển mới với nhiều loại như, trầm nụ, trầm xông, nhang; đặc biệt là trầm miếng để xuất khẩu có giá trị cao.

Ngày trước, việc sản xuất trầm hương ở làng Thanh Phước chủ yếu được làm bằng thủ công thì nay, nhiều có sở sản xuất đầu tư nhà xưởng, máy móc lên đến cả trăm triệu đồng.

“Nghề làm hương chủ yếu làm vào mùa nắng, dự trữ bán vào mùa đông. Khi nhu cầu và đầu ra ngày càng cao thì gia đình tui đầu tư máy móc gần hơn 80 triệu đồng. Nguyên liệu để sản xuất hương khá lớn, đó là những phần bỏ đi sau khi miếng trầm được gạn ra để xuất khẩu. Sản phẩm làm ra được các đầu mối đến thu mua hoặc bỏ sỉ tại các ngôi chợ lớn trên địa bàn tỉnh. Đến mỗi dịp lễ tết, sản phẩm tiêu thụ rất mạnh, gia đình tui phải huy động hết các thành viên để làm việc, có khi thuê thêm nhân công. Trung bình thu nhập từ việc làm trầm hương trên dưới 100 triệu đồng/năm”, bà Diệu cho biết.

Trầm hương không chỉ mở hướng làm giàu cho nhiều gia đình ở làng Thanh Phước mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Chị Lê Thị Thu Tâm so sánh: “Hiện nay, đầu ra sản phẩm khá tốt nên người làm công như tụi tui kiếm được mỗi ngày khoảng 100-150 nghìn đồng. So với làm ruộng, thu nhập này tương đối khá. Mấy sào ruộng để chồng con cáng đáng, đến mùa vụ, tui phụ giúp thêm, còn công việc chính là làm trầm. Hầu như phụ nữ tại Thanh Phước rất ít làm ruộng”.

Cần mở hướng đi

Nghề làm trầm hương ở Thanh Phước bây giờ phát triển mạnh. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang cả nước ngoài.

Bà Hồng, một chủ cơ sở làm trầm tại làng Thanh Phước chia sẻ: “Nguồn nguyên liệu làm trầm hiện nay khá dồi dào, có thể nhập từ Quảng Trị, Quản Bình. Thông thường, sản phẩm làm ra có 3 loại khác nhau; loại 1 được xuất khẩu ra nước ngoài với giá trị cao”.

Năm 2015, UBND thị xã Hương Trà đề ra kế hoạch trong hỗ trợ thúc đẩy hình thành làng nghề sản xuất trầm hương Thanh Phước, đồng thời gắn phát triển làng nghề với du lịch. Song đến nay, làng nghề vẫn chưa được công nhận, hương trầm Thanh Phước vẫn chưa có thương hiệu. Người dân muốn mở rộng cơ sở sản xuất cũng chưa được hỗ trợ mà tự thân xoay xở.

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong thông tin: “Nghề làm hương trầm ở Thanh Phước giải quyết hàng trăm lao động với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, có hơn 40 hộ tham gia sản xuất. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trên khắp cả nước mà còn xuất sang Lào, Trung Quốc… Năm 2018, chúng tôi sẽ xúc tiến đưa vào kế hoạch để được công nhận làng nghề truyền thống”.

Theo ông Én, những người sản xuất hương trầm ở Thanh Phước đang cần nguồn vốn đầu tư để mở rộng cơ sở sản xuất. Từ đó, chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch khảo sát và xây dựng, phát triển làng nghề.

“Ở Thanh Phước không chỉ có trầm hương thông thường mà còn có những loại tượng, hình thù được tạo ra từ trầm có giá trị cao. Trong kế hoạch phát triển làng nghề sẽ kết hợp với du lịch. Song, trước mắt làng nghề phải được công nhận, từ đó xây dựng các đề án, tạo ra thương hiệu rồi tham gia kỳ festival làng nghề sắp tới. Tương lai, sẽ hình thành nên chuỗi du lịch đầm phá kết hợp tham quan làng nghề truyền thống”, ông Én nói.

Bài, ảnh: Lê Thọ