Tổng hợp thông tin và khảo sát tình hình sản xuất thực địa ở một số khác, chúng tôi nhận thấy được nỗi ưu tư và nỗi lo mất mùa của bà con nông dân khi vụ hè thu này, năng suất lúa giảm hẳn và trung bình chỉ đạt vào khoảng từ 45 đến 50 tạ/ha. Có nơi chỉ đạt từ 45 tạ ha trở lại như ở Mỹ Xuyên và một số xã thuộc huyện Phong Điền. Nguyên nhân thì đã được xác định rõ là do chuột, rầy nâu, lem lép và thối thân, thối bẹ, khô chẹn dẫn đến bệnh đỏ hạt. Có nơi đỏ hạt trên toàn cánh đồng. Hiện tại, bà con nông dân đang tích cực và phấn đấu đến hết tháng 8 sẽ thu hoạch xong. Vấn đề mà người dân quan ngại hiện nay là trước những diễn biến của sâu bệnh đã không thể kiểm soát nổi ở vụ hè thu, không biết bước vào vụ đông xuân mới sẽ như thế nào... Theo phản ánh của nhiều địa phương, mặc dù tình hình vụ hè thu có phần mất mùa như vậy nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cuộc họp hay hội nghị nào để đánh giá cụ thể, rút kinh nghiệm và triển khai ngay các biện pháp cần thiết để phòng trừ sâu bệnh cho vụ đông xuân đang tới. Trong khi đó, người dân phần nào có thể đối phó và dập dịch được rầy nâu nhưng bệnh thối thân, thối bẹ lại có chiều hướng lây lan do vi rút phát tán nhanh và hiện chưa có thuốc đặc trị như ở HTX Phò Trạch. Một số thông tin khác lại cho thấy, tình hình chuột phát sinh và hại lúa, nhất là ở những cánh đồng dọc theo các con sông đã trở nên khó kiểm soát hơn khi chúng không cư trú lại mà ban ngày rút về ẩn nấp tại các dề bèo tây đang ngày một rậm rạp...

Việc có ngay một kế hoạch phòng trừ sâu bệnh cho vụ đang tới là điều cần phải nhanh chóng được triển khai, nhất là khi đội ngũ cán bộ ở các trạm bảo vệ thực vật ở các địa phương hãy còn quá mỏng. Rà soát và thiết lập, tập huấn và thậm chí về lâu dài cần đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các xã, hợp tác xã là điều cần thiết và cũng phải được xem xét như một yếu tố cần và đủ của việc xây dựng nông thôn mới.
 
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là với thành công đã được đánh giá từ việc triển khai mô hình phòng trừ rầy nâu bằng nấm xanh, cần có ngay phương án chuyển giao kỹ thuật cho người làm nông ở diện rộng, vừa góp phần hạn chế rủi ro, giảm chi phí đồng thời tăng khả năng bảo vệ môi trường cho đồng ruộng ngay từ đầu vụ đông xuân tới. Bên cạnh đó là việc tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp khả thi cho các loại bệnh khác trên đồng ruộng như thối thân, thối bẹ, khô chẹn và diệt chuột...
Hạnh Nhi