Sau đó anh trải qua nhiều nghề ở Huế, rồi từ giã thành phố thân yêu để vào lập nghiệp ở Cần Thơ. Đặc biệt sau năm 1975, Hoàng Sao là người sưu tập tranh đầu tiên của những họa sĩ danh tiếng ở Huế thời đó, như: Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Đình Sang...

Phố chiều

Nếu không tận mắt nhìn thấy, khó có thể tin rằng một người tự nghiên cứu hội họa như Hoàng Sao lại thể hiện bút pháp và màu sắc vượt xa đến vậy. Trong thế giới hoang sơ của nghệ thuật Hoàng Sao là cả vùng trời ký ức, cứ như thể màu và hình thể tuôn trào trong tâm hồn anh ra bề mặt chất liệu, ở đó không có sự trau truốt hay cố gắng nào, mà chỉ thuần túy dòng cảm xúc được nén chặt đến độ bung vỡ trên mặt toan.

Mặt trời vẫn mọc

Trong “Phố chiều”, với nền trời vàng của nắng xế đang vung vãi trên miền hoa cỏ một cách rộng lượng, không có ranh giới giữa màu này và màu khác mà cả một độ loang tự nhiên. Hay “Bến sông đêm” là những biến tấu của trăng dát vàng trên bến sông quê và bờ cỏ dại, ở đó những mái nhà, những con đò lênh đênh trong miền kí ức của Hoàng Sao trôi vào bề mặt toan qua những lớp màu hoang dại. Trong bức “Những mảng ghép ký ức” có bút pháp mạnh với những đường xổ ngang dọc gây ấn tượng... chính là cuộc trở về nội tâm với ngọn đèn khuya, để lắng nghe những chuyển động của quá khứ giữa bầu trời đỏ sẫm vẫn chưa dừng lại trong chuyến hành trình hướng đến tương lai.

Mặt trời vẫn mọc 3

Một số bức tranh có xu hướng của trường phái siêu thực và ấn tượng, như “Đường chiều lá rụng”, “Bố cục”, “Mặt trời vẫn mọc”,... một vài bức theo kiểu lập thể: “Phố chiều”, “Trở về mái nhà xưa”, “Cô đơn”... Trong loạt ba bức “Mặt trời vẫn mọc” là cả một chủ ý sáng tạo, ở đó ý niệm được diễn đạt bởi màu sắc, đường nét và hình thể trong loạt tranh này nhòa theo độ loang của sắc màu. Hay trong những bức có chủ đề cô đơn, cách diễn đạt màu mang hơi hướng của biểu hiện tâm trạng của tác giả. Những tác phẩm “Đèn đêm”, “Cô đơn”, “Cao nguyên”, “Chiều về trên sông”, “Câu chuyện dòng sông”, “Cuộc hành hương mòn mỏi”... đều gợi lên chất hoang sơ, phóng túng trong bút pháp. Với tôi đó chính là nghệ thuật hội họa.

Những mảng ghép ký ức

Loạt tranh của Hoàng Sao là những câu chuyện của tác giả kể lại bằng màu sắc, mỗi câu chuyện đều gây cảm xúc nơi người xem, đó là thành công đầu tiên của tác giả và là sứ mệnh chính của người nghệ sĩ. Phần còn lại dành cho những nhà bình luận. Tôi chợt nhớ danh họa Klee đã nói đại ý: “Nghệ thuật phải là sáng tạo nên các đồ vật, con người không thấy được...”. Nếu họa sĩ vẽ cái người xem đã thấy thì bức tranh xem như đã chết, vì có thể người thưởng ngoạn đúng nghĩa luôn muốn khám phá điều bí mật trong tâm hồn chính mình khi đối diện với một tác phẩm nghệ thuật.

Tranh của họa sĩ Hoàng Sao đã phần nào thể hiện được điều mà Paul Klee đã phát biểu.

Bài, ảnh: LÊ HUỲNH LÂM