Ảnh chụp công ty Mossack Fonseca tại thành phố Panama. Ảnh: Reuters

Hồ sơ Panama (Panama Papers), bao gồm 11,5 triệu tài liệu về 215 nghìn doanh nghiệp bị đánh cắp từ Mossack Fonseca và rò rỉ trên các phương tiện truyền thông vào tháng 4 năm 2016, đã gây ra một vụ địa chấn toàn cầu với các bằng chứng về việc các tập đoàn nước ngoài giàu mạnh sử dụng các công ty nước ngoài để gian lận thuế.

“Danh tiếng xuống cấp, các chiến dịch truyền thông, khủng hoảng tài chính và các biện pháp mạnh tay của chính quyền Panama đã khiến công ty thiệt hại dẫn đến phải chấm dứt hoạt động vào cuối tháng", đại diện của công ty này cho biết trong một tuyên bố.

Mossack Fonseca cho biết một số lượng nhân viên tối thiểu sẽ vẫn được duy trì để đáp ứng các yêu cầu từ phía chính quyền và các nhóm công cộng và tư nhân khác.

Tuy nhiên, công ty luật nói rằng họ sẽ tiếp tục "đấu tranh vì công lý", và sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền.

Tháng trước, các công tố viên Panama đã đột kích các văn phòng của Mossack Fonseca, tìm soát các mối quan hệ giữa nó với công ty kỹ thuật Braxin Odebrecht. Công ty xây dựng Braxin đã thừa nhận hối lộ các quan chức ở Panama và các nước khác để có được các hợp đồng trong khu vực từ năm 2010 đến năm 2014.

Ramon Fonseca, thành viên của Mossack Fonseca, đã phủ nhận hồi tháng trước rằng công ty của ông có quan hệ với Odebrecht, trong khi cáo buộc Tổng thống PanamaJuan Carlos Varela đã trực tiếp nhận tiền từ Odebrecht, công ty xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh.

Tổng thống Carlos Varela đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc nói trên.

Thế Vĩnh (lược dịch từ Reuters)